Bảo vệ trẻ trong thiên tai, dịch bệnh
Từ ngày 1.6, Tháng Hành động vì trẻ em sẽ bắt đầu với nhiều hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong hoàn cảnh khá đặc biệt vì dịch bệnh và được xếp vào nhóm đối tượng dễ tổn thương, Quảng Nam đang nỗ lực tạo thêm nhiều cơ hội phát triển hơn cho trẻ em.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi cùng bà Lưu Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Tạo môi trường tốt nhất cho trẻ
Bà Lưu Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được được sự quan tâm của toàn xã hội.
Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ lang thang, trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm giảm, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc đối tượng trợ giúp xã hội được hưởng các chế độ theo quy định Nhà nước...
“Tuy nhiên, hiện nay công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là xu thế hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới; đại dịch Covid-19 và hậu quả của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tác động trực tiếp đến đối tượng trẻ em.
Tỷ lệ trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh vẫn còn ở mức cao. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm tỷ lệ 5,13%, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chiếm tỷ lệ 11,47% so với tổng số trẻ em toàn tỉnh.
Tình hình tai nạn, thương tích, bạo lực, xâm hại, lạm dụng trẻ em, tảo hôn, vẫn còn xảy ra. Khu vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, nguồn lực đầu tư cho công tác trẻ em vẫn chưa đáp ứng các mục tiêu đề ra” - bà Lưu Thị Bích Ngọc nói.
* Vậy việc lựa chọn chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh” trong Tháng hành động vì trẻ em, Quảng Nam sẽ đưa ra những thông điệp và hành động gì cụ thể, thưa bà?
- Bà Lưu Thị Bích Ngọc: Thông điệp cụ thể để bảo vệ trẻ em, bao gồm: chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh. Tạo điều kiện cho trẻ em có cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em. Tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em phát triển toàn diện. Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng. Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động...
Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hoặc 18001581 để tố cáo mọi hành vi xâm hại trẻ em. Bảo vệ quyền của mọi trẻ em trên môi trường mạng. Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đội mũ bảo hiểm cho con, trọn tình cha mẹ.
Ngoài việc tuyên truyền các thông điệp trên, chúng tôi tham mưu lãnh đạo tỉnh đi thăm, tặng quà cho trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc ở các cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng trẻ em trên địa bàn tỉnh; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My và xã Trà Leng, huyện Nam Trà My nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6.
Vận động các tổ chức, cá nhân tặng quà, học bổng, hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch Covid-19, xây dựng các công trình trường học, nhà bán trú, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em...
Trong thời gian đến, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động ủng hộ kinh phí cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh; phối hợp với Tỉnh đoàn và các sở, ban, ngành liên quan chuẩn bị nội dung và các điều kiện tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh; tổ chức Liên hoan các Đội Tuyên truyền măng non về Luật Trẻ em 2016 cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Thiếu nhi với Luật Trẻ em” để trẻ em bày tỏ ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng, phát huy quyền tham gia và giúp trẻ em tự tin, thực hiện tốt bổn phận của mình...
Chúng tôi mong thúc đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
Bảo vệ trẻ em miền núi
Sâu sát, kịp thời hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Liên quan đến công tác chăm sóc trẻ trong tình hình dịch bênh, bà Lưu Thị Bích Ngọc cho biết, thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên kiểm tra, cập nhật tình hình tác động của dịch bệnh Covid-19 đến trẻ em. Thống kê số lượng trẻ em, nhu cầu cần hỗ trợ của trẻ em đang thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại gia đình trên địa bàn để có kế hoạch truyền thông bảo vệ trẻ em trong đại dịch Covid-19. Đồng thời vận động nguồn lực hỗ trợ nhằm khích lệ tinh thần các em vượt qua giai đoạn khó khăn. Phân công bộ phận thường trực để theo dõi, nắm bắt những vấn đề phòng chống dịch Covid-19 liên quan đến trẻ em. Sử dụng kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp và các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp nguồn lực của địa phương khó khăn thì kịp thời đề xuất về Sở LĐ-TB&XH để vận động hỗ trợ hoặc đề xuất Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ.
* Quảng Nam có nhiều địa bàn dễ tổn thương bởi thiên tai, cụ thể tại những vùng núi cao của tỉnh, vậy công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại những vùng đặc thù này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa bà?
- Bà Lưu Thị Bích Ngọc: Đối với các huyện miền núi của tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi cao, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Ngoài những nội dung, giải pháp chung về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch và thực hiện nhiều giải pháp đặc biệt để bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh tại các địa phương này.
Kế hoạch vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025 với mục đích cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em, hỗ trợ trẻ em tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí... cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc các xã đặc biệt khó khăn và miền núi của tỉnh.
Chúng tôi phối hợp với các tổ chức triển khai dự án hỗ trợ khẩn cấp về bảo vệ, chăm sóc và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em trong thiên tai tại 21 xã thuộc 3 huyện Nam Trà My, Đại Lộc, Tây Giang.
Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên ban bảo vệ trẻ em cấp xã và 152 cuộc sinh hoạt nhóm trẻ em và cha, mẹ hay người chăm sóc trẻ về các nội dung liên quan đến thảm họa thiên tai và các tác động đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, xâm hại trẻ em.
Lập hồ sơ can thiệp cho 315 trẻ em, trong đó đã tiến hành rà soát, hỗ trợ khẩn cấp cho 168 trẻ bị ảnh hưởng nặng nề trong thiên tai và phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ các trẻ em này ổn định cuộc sống.
Sở đã phối hợp với Tổ chức tầm nhìn Thế giới tổ chức tập huấn cho thành viên ban bảo vệ trẻ em các cấp triển khai Mô hình vãng gia (thăm hộ) cải thiện an sinh trẻ em là mô hình rất phù hợp với thực tế, điều kiện của các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi. Qua đó tăng cường sự tham gia của trẻ em và gia đình cùng với chính quyền, cộng đồng xã hội, phát hiện sớm, kịp thời cải thiện tình trạng an sinh của trẻ em.
Các địa phương triển khai nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.