Góp ý về chính sách thu hồi đất
Hôm qua 26.5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo quy định về bồi thường - hỗ trợ (BT-HT), tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (Sở Tài nguyên – môi trường chủ trì dự thảo) nhằm lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện cơ chế, chính sách BT-HT, TĐC.
Cần sát thực tế
Theo ông Võ Xuân Ca – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cơ chế chính sách BT-HT, TĐC rất nhạy cảm, đi sau sự phát triển của đời sống xã hội nên việc điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết. Sự phản biện đa chiều, đa dạng của các cơ quan hành pháp, tư pháp, chuyên môn, người trực tiếp làm công tác giải phóng mặt bằng sẽ góp phần hoàn thiện các quy định về BT-HT khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Sở Tài nguyên – môi trường cho biết, dự thảo quy định BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 5 chương, 61 điều.
Ông Trần Hữu Quang – Trưởng phòng Nghiệp vụ 3 (Thanh tra tỉnh), Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, với các cơ chế chính sách liên quan đến TĐC thì nên “thiết kế” thành chương, hoặc mục riêng về TĐC. Trong đó quy định về diện tích đất ở được giao tại khu TĐC, điều kiện được giao đất ở TĐC, giá đất ở, giá đất TĐC bình quân, suất TĐC tối thiểu, hỗ trợ tiền sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất TĐC, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất TĐC, lập và thực hiện dự án khu TĐC. Ngoài ra, cần bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giao đất TĐC…
Nhiều ý kiến cho rằng nên tách bạch các quy định về đất TĐC với các cơ chế BT-HT khác. Ông Phan Khắc Chưỡng - Chủ tịch Hội Luật gia Quảng Nam nhìn nhận, các Điều 11 và Điều 12 của Chương 2 dự thảo quy định BT-HT, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất có nội dung BT về đất, HT, TĐC chưa thể hiện đầy đủ theo quy định tại Khoản 2, Điều 74 của Luật Đất đai về nguyên tắc BT về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Đó là việc BT được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đối với loại đất thu hồi, nếu không có đất để BT thì được BT bằng tiền…
Thế nhưng, các quy định trong dự thảo này chưa có trường hợp nào BT bằng việc giao đất đúng nguyên tắc đã quy định. Trong khi đó đất ở trên địa bàn tỉnh không khan hiếm như ở các thành phố lớn vì phần lớn các khu TĐC đều chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm sang đất ở.
“Luật Đất đai không quy định giao 1 lô đất ở với diện tích tối thiểu và phải nộp 100% tiền sử dụng đất TĐC. Dự thảo quy định có nội dung trên là trái với quy định của Luật Đất đai và gây thiệt hại đến lợi ích của người bị thu hồi đất” - ông Chưỡng nói.
Liên quan bố trí TĐC cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở, theo Hội Luật gia tỉnh, việc xác định giá đất TĐC trong khu quy hoạch tập trung xác định theo giá chuyển nhượng phổ biến trên thị trường là không phù hợp. Bởi thực tế giá đất Nhà nước và giá đất thị trường chênh lệch nhau. Việc quy định giá TĐC bằng giá thị trường dẫn đến nhiều hộ dân thuộc diện TĐC không đủ tài chính để sở hữu 1 lô TĐC.
Theo ông Trần Đình Lân - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Quảng Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, dự thảo quy định “… diện tích đất ở được giao tại khu TĐC không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi…” làm hạn chế việc giao đất ở TĐC, không giải quyết hết nhu cầu TĐC thực sự trong trường hợp diện tích đất ở bị thu hồi nhỏ, trong khi số cặp vợ chồng và số nhân khẩu thì đông...
Xác định giá đất và loại đất
Góp ý nhiều nhất dự thảo quy định về BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh tập trung ở nội dung xác định giá đất và loại đất. Nhiều trường hợp ở Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ khiếu nại, khiếu kiện đòi cơ quan nhà nước công nhận đất ở đối với trường hợp có vườn, ao trước ngày 18.12.1980.
Các thửa đất ở trước ngày 18.12.1980 có diện tích lớn hơn hạn mức giao đất ở nhưng không có hồ sơ bản đồ 299 (Hồ sơ 299 là hồ sơ được lập theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10.11.1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước - PV), cơ quan tài nguyên - môi trường chỉ công nhận diện tích đất ở nông thôn tối đa 300m2, dù giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân ghi là đất thổ cư (ký hiệu T). Liên quan đến xác định loại đất T, đến nay vẫn có quan điểm khác nhau giữa cơ quan tòa án, viện kiểm sát và ngành tài nguyên - môi trường.
Giá đất trở thành một trong những nguyên nhân phát sinh khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng. Thực tế, có nhiều trường hợp xác định giá BT tại thời điểm thu hồi đất là phù hợp nhưng đến khi chi trả cho người bị thu hồi đất thì mặt bằng chung giá trên thị trường đã thay đổi nên người dân không đồng ý nhận tiền BT. Cho nên, quy định dự thảo cần bổ sung HT trượt giá khi cơ quan chức năng chậm chi trả BT.
Góp ý cho Điều 27 của dự thảo về HT khi thu hồi đất công ích của xã, phường, thị trấn, Luật sư Lưu Thị Lan (Văn phòng Luật sư Lưu Lan) cho rằng, thực tế nhiều hộ gia đình, cá nhân thuê sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được BT về đất nên đề xuất HT cho người sử dụng đất 60%, xã, phường, thị trấn 40% vì người sử dụng đất có quá trình canh tác lâu dài, lại đầu tư tôn tạo tốn kém.
Về BT đất ở, đất ở có vườn ao, ông Trần Hữu Quang cho rằng, phải thống nhất xác định đất ở đối với thửa đất ở có vườn ao theo quy định tại Điều 103, Luật Đất đai 2013, Điều 24 Nghị định 43 năm 2014 của Chính phủ nhằm tránh việc khiếu kiện, khiếu nại với nhiều cách áp dụng khác nhau của các cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp như hiện nay.
“Đồng thời quy định cụ thể để xác định loại đất trong trường hợp thu hồi một phần thửa đất ở có vườn, ao mà chưa xác định cụ thể vị trí đất ở trong thửa đất” - ông Quang nói. Cũng có ý kiến cho rằng, đối với thửa đất nông nghiệp bị thu hồi một phần mà phần diện tích còn lại nằm ngoài vạch giải phóng mặt bằng nhỏ hơn 200m2 nhưng không đủ điều kiện để tiếp tục sản xuất, cần tính toán đến phương án hộ gia đình, cá nhân xin chuyển đổi mục đích phần đất đó sang đất ở, đất kinh doanh.