Đưa vốn chính sách đến đồng bào thiểu số
Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã bao phủ khắp 13 xã, thị trấn của huyện miền núi Bắc Trà My, trong đó đặc biệt ưu tiên đưa vốn đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Tạo điều kiện thoát nghèo
Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 1/2 số hộ trên địa bàn huyện Bắc Trà My, hầu hết đã được tiếp cận vốn chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo.
Cách đây 7 năm, ông Nguyễn Văn Linh (dân tộc Co, thôn 1, xã Trà Giang, Bắc Trà My) đã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho vay ưu đãi hộ nghèo và cho vay dự án phát triển lâm nghiệp với tổng cộng 150 triệu đồng, đầu tư trồng 8ha keo và nuôi 10 con heo đen, 3 con trâu.
Sau 5 năm trồng keo, thu hoạch bán được 300 triệu đồng, lãi 150 triệu đồng, ông Linh trả xong nợ của ngân hàng và tiếp tục vay mới để tăng quy mô đầu tư các mô hình kinh tế. Có nguồn thu, từ năm 2020, hộ ông Linh đã thoát nghèo.
“Nuôi heo đen bản địa tốn không nhiều thức ăn vì tận dụng rau các loại. Loài heo này có sức đề kháng tốt nên ít nhiễm bệnh. Tôi gầy đàn heo đen tăng lên, giá trị kinh tế thu được khá” - ông Linh nói.
Vợ chồng bà Nông Thị Xuân (dân tộc Tày) và Triệu Văn Vang (dân tộc Dao) từ Cao Bằng vào Bắc Trà My sinh sống từ năm 1994, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thông qua Hội LHPN, bà Xuân vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My để trồng 6ha keo theo dự án phát triển lâm nghiệp vào năm 2007.
Bà Xuân cho biết: “Được giao đất rừng, vay vốn, tiếp thu kỹ thuật trồng keo nên mô hình kinh tế của tôi cho kết quả khả quan sau 5 năm đầu tư. Từ năm 2015 đến nay, sau khi trả xong vốn vay ưu đãi và vay vốn đầu tư trồng rừng mới, gia đình tôi đã thoát nghèo. Gia đình còn mua 4 con trâu vừa phục vụ kéo gỗ vừa sinh sản để bán con giống, kinh tế ngày càng ổn định”.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My, tổng dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 410 tỷ đồng với 7.624 hộ vay; trong đó, phần lớn là vốn vay các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Khi tiếp cận nguồn vốn, người dân biết cách làm ăn, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, vốn liếng, vươn lên thoát nghèo.
Phát huy hiệu quả
Để đảm bảo chất lượng tín dụng sau khi giúp người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi, ông Phan Hồng Nhật - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My cho rằng cần nâng cao hoạt động giao ban tại điểm giao dịch ở xã.
Theo đó, trước giao ban 5 ngày, các cán bộ tín dụng địa bàn phải thực hiện báo cáo những tồn tại, hạn chế, các nhiệm vụ phải thực hiện, gửi qua email đến các hội, đoàn thể và chủ tịch UBND xã.
Đến ngày giao ban các hội, đoàn thể báo cáo những việc đã làm, chưa làm được, cam kết thời gian hoàn thành. Theo cách này buộc trước khi giao ban, các hội, đoàn thể phải làm việc với các tổ tiết kiệm và vay vốn để tăng thêm trách nhiệm, nâng cao chất lượng tín dụng.
Một giải pháp khác là phát huy vai trò của tổ xử lý nợ tại xã. Theo đó, cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên báo cáo với các cấp ủy đảng, chính quyền về những hộ nợ xấu, nợ chây ỳ, chủ động tham mưu và làm việc với tổ trưởng tổ xử lý nợ tại xã để định ngày xử lý.
Với các hộ không chấp hành theo giấy mời, tổ công tác thành lập đoàn xuống tận nhà để nắm tình hình và xử lý, nhờ vậy nợ đến hạn có nguy cơ quá hạn được dự lường trước, xử lý sớm, đảm bảo giữ vững chất lượng tín dụng.
Nợ quá hạn và nợ khoanh các chương trình tín dụng chính sách ở Bắc Trà My đến nay mới chỉ chiếm tỷ lệ 0,38% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,01% tổng dư nợ, 12/13 xã, thị trấn không có nợ quá hạn.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Bắc Trà My, quy mô dư nợ đối với người dân miền núi nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tăng trưởng ấn tượng, giúp người dân phát huy nội lực và thế mạnh của địa phương, phát triển kinh tế ngày càng ổn định.
Năm nay, UBND huyện nâng vốn ủy thác 500 triệu đồng, tăng 200 triệu đồng so với năm 2020 để Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Trà My giải ngân thêm vốn đến hộ nghèo và chính sách.