Người Quảng mở đầu quan hệ báo giới quốc tế

NGUYỄN HOÀNG THÂN 23/05/2021 17:02

Lịch sử báo chí Việt Nam bắt đầu từ năm 1865 với sự ra đời của Gia Định báo. Tờ báo tiếng Pháp Le Pays d’Annam được in tại Thượng Hải và lưu hành ở Việt Nam vào năm 1878. Trong quãng thời gian này, nhân sĩ đất Quảng đã có mối quan hệ đầu tiên với báo giới quốc tế đương thời.

Tuần hoàn nhật báo. Nguồn: Internet
Tuần hoàn nhật báo. Nguồn: Internet

Cơ duyên

Vương Thao. Nguồn: Internet
Vương Thao. Nguồn: Internet

Giữa năm Tự Đức thứ 4 (1851), Phạm Phú Thứ phụng mệnh triều đình đi theo Thụy Nhạc thuyền để đưa Bả tổng Ngô Hội Lân nhà Thanh bị bão dạt vào cửa biển Thuận An về lại Trung Quốc. Do nhiều yếu tố khách quan (gió mùa) và chủ quan (việc công trọng trách), Phạm Phú Thứ đã lưu lại Quảng Đông hơn nửa năm.

Trong thời gian này, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ triều đình giao phó, tham gia giao lưu xướng họa với văn nhân Quảng Đông, Phạm Phú Thứ đã có dịp quan sát quang cảnh giao thương, tàu bè phương Tây, hoạt động quân sự ở nơi này.

Từ đó, Phạm Phú Thứ hình thành những tư tưởng canh tân và về sau rất hào hứng tiếp nhận tân thư qua con đường sách báo của Trung Quốc. Đặc biệt, khi làm Tổng đốc Hải An kiêm sung Tổng lý Thương chánh đại thần từ năm 1874, Phạm Phú Thứ “xưa, ở tại Hải Đông, đọc báo Hương Cảng” và biết đến “tiên sinh” Vương Thao - chủ bút Tuần hoàn nhật báo.

Hiện nay, chưa thấy tư liệu viết về giao lưu trực tiếp giữa Phạm Phú Thứ với Vương Thao, nhưng trước tác của Phạm Phú Thứ cho biết, Phạm Phú Thứ và Vương Thao nhiều lần thư từ qua lại với nhau.

Nguyễn Thuật từng 2 lần đi sứ Trung Quốc vào năm 1881 và năm 1883. Trong lần đi sứ thứ 2, Nguyễn Thuật cũng đã giao lưu trực tiếp với Vương Thao và được Vương Thao tặng cho nhiều sách.

Điều đặc biệt, Nguyễn Thuật và Vương Thao còn đứng tên chung trong một quyển sách của tác giả người Nhật Bản. Đó là “Pháp Việt giao binh ký”, Tăng Căn Tiêu Vân tập trước, Vương Thao san soạn, Nguyễn Thuật Hà Đình hiệu duyệt, gồm 5 quyển, Minh Trị thập cửu niên (1886), Đông Kinh báo hãng xã xuất bản. Theo Nguyễn Mạnh Sơn, nội dung cuốn sách này chủ yếu là tổng hợp thông tin về tình hình chính trị Pháp - Việt trên nhật báo Việt Nam, Hồng Kông, Trung Hoa.

“Báo chương truyền khắp”

Phạm Phú Thứ khi viết thư cho Vương Thao đã nói Vương Thao là “người hành động dẫm lên cái lờ mờ” và có “báo chương truyền khắp”.

Theo tài liệu Trung Quốc, Vương Thao là nhà tư tưởng phái Cải lương, chính trị gia, nhà báo, cũng là dịch giả Kinh Thánh sang tiếng Trung. Ông sinh ngày 10.11.1828, mất ngày 24.5.1897. Lúc đầu có tên Vương Lợi Tân, tự Lan Doanh; 18 tuổi đỗ đầu huyện, đổi tên thành Vương Hàn, tự Lãn Kim, Tử Thuyên, Lan Khanh, hiệu Trọng Thao, Thiên Nam Độn Tẩu cùng nhiều hiệu và ngoại hiệu khác.

Mùa đông năm 1870, khi James Legge từ Scotland trở lại Hồng Kông để tiếp tục chủ trì Thư viện (tức trường học) Anh Hoa, Vương Thao cũng cùng theo về Hồng Kông. Ông thuê một căn nhà nhỏ dựa lưng vào núi ở Áp Ba Điện (nay là Aberdeen - trước gọi là Little Hong Kong), đặt tên “Thiên Nam Độn Quật”, tự lấy hiệu “Thiên Nam Độn Tẩu”, lấy việc viết lách, làm chủ bút Hoa tự nhật báo.

Trong thời gian này, ông biên dịch các sách “Pháp quốc chí lược”, “Phổ Pháp chiến kỷ” và lần lượt đăng tải trên Hoa tự nhật báo, Thân báo (ở Thượng Hải). “Phổ Pháp chiến kỷ” có ảnh hưởng rất lớn, được Phạm Phú Thứ và các nhà tư tưởng canh tân dưới triều Nguyễn luôn nhắc đến trong các bản điều trần, tấu nghị.

Năm 1873, James Legge trở về Scotland, Vương Thao mua lại toàn bộ thiết bị in ấn của Thư viện Anh Hoa. Năm 1874, ông sáng lập Tuần hoàn nhật báo, tờ báo tiếng Trung đầu tiên trên thế giới. Theo đó, ông cũng là nhà báo đầu tiên của Trung Quốc. Trong thời gian hơn 10 năm làm chủ bút Tuần hoàn nhật báo, ông đã đăng hơn 800 bài chính luận, tuyên xướng việc Trung Quốc phải thực hiện biến pháp, khởi công đường sắt, đóng thuyền, dệt vải… để tự cường.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu

Phạm Phú Thứ và Vương Thao sinh ra và lớn lên trong cùng một thời đại và chung một bối cảnh quốc tế. Phạm Phú Thứ sinh trước Vương Thao 7 năm. Từ năm 1840 các nước phương Tây xâm chiếm Trung Quốc (chiến tranh nha phiến) thì năm 1848 một số nước phương Tây cũng đã nổ súng tấn công Việt Nam.

Điểm tương đồng giữa Phạm Phú Thứ và Vương Thao là từ nhỏ đã thi đỗ đầu, từng đi Đông đi Tây nên có kiến văn uyên bác. Họ có chung nhận định về Khổng học chi đạo với khoa học kỹ thuật phương Tây, đều có ý muốn hướng về phương Tây để tiếp thu thành tựu khoa học.

Đặc biệt 2 người đã để lại khối lượng trước tác đồ sộ. Nếu tác phẩm của Vương Thao mang những tư tưởng biến pháp tự cường, cải cách chế độ khoa cử, cải cách quân sự, thực nghiệp cường quốc (khai thác khoáng sản, phát triển giao thông đường bộ đường biển, đóng tàu, xây dựng đường sắt…) thì các trước tác của Phạm Phú Thứ trong bộ “Giá Viên toàn tập” cũng có những nội dung tư tưởng tương tự (xem thêm Dị Cổ Nguyễn Hoàng Thân, Phạm Phú Thứ với Giá Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2011, tr.140-150).

Chính đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà Phạm Phú Thứ và Vương Thao đã có mối tương giao mật thiết, hai bên gửi thư cho nhau nhiều lần. Thư của Phạm Phú Thứ cho thấy tình tri âm tri kỷ của hai người thật hữu hảo. Hai bên ước hẹn cùng “vui cuộc du lãm” với sơn thủy đẹp của Quảng Nam cho dù phải chống gậy leo lên kỳ quan Ngũ Hành Sơn để cùng “ngắm chim bằng sải cánh”.

“Biển Trà Sơn, biển Hương Cảng một làn nước chẳng là xa”, mỗi lần Phạm Phú Thứ nhận được thư cũng nhận được thuốc thang (vì Phạm Phú Thứ thường xuyên đau yếu), đặc biệt là sách báo của Vương Thao gửi tặng. Sau đó Phạm Phú Thứ “sao ra mười mục, nhờ bưu trạm chuyển gửi cho những người cùng ưa thích được bổ ích về kiến văn”.

Người Quảng từ sớm đã có mối quan hệ với báo giới quốc tế và nhờ đó đã kịp thời đón nhận luồng gió tân thư để hình thành những tư tưởng canh tân, duy tân tiên phong trong cả nước.

NGUYỄN HOÀNG THÂN