Mỹ Sơn phòng, chống cháy rừng
(QNO) – Với hơn 1.000 héc ta rừng bao bọc xung quanh, khu di tích Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên) luôn bị uy hiếp bởi nguy cơ cháy rừng. Phòng, chống cháy rừng đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết của Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn suốt nhiều năm qua khi vào mùa nắng nóng.
Sẳn sàng, chủ động
Chiều 18.5, một đám cháy rừng bùng lên tại thôn Cổ Lâu, xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên. Vị trí điểm cháy cách rừng phòng hộ Mỹ Sơn khoảng 5km. Nếu không kịp thời dập tắt, ngọn lửa sẽ đe dọa đến rừng phòng hộ Mỹ Sơn.
Ngay lập tức, lãnh đạo Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã cấp tốc tập trung lực lượng tiến hành chi viện xã Duy Hòa và đơn vị Hạt Kiểm lâm khống chế đám cháy.
Ngay trong đêm, gần 70 cán bộ, nhân viên Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tập trung về đơn vị nhanh chóng triển khai đến các vị trí giáp ranh. Sau khi hội ý, đơn vị thống nhất phát đường băng tạo hành lang ngăn đám cháy, bảo vệ rừng Mỹ Sơn.
Một phần lực lượng cơ động đến vị trí đám cháy phối hợp với các đơn vị dập lửa. Đến 3 giờ sáng 19.5 đường băng cản lửa hoàn thành với tổng chiều dài hơn 1km, rộng 3m, vị trí từ dốc Bà Xoan đến khe Môn. Sau khi hoàn thành đường băng, toàn bộ lực lượng tiếp tục chuyển đến hỗ trợ dập tắt đám cháy tại xã Duy Hòa.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, phòng chống cháy rừng luôn được đơn vị chủ động sẵn sàng, nên trong bất cứ tình huống, thời điểm nào cũng có thể nhanh chóng huy động được lực lượng ứng cứu.
“Hầu như toàn bộ cán bộ nhân viên đơn vị đều là lực lượng tham gia phòng cháy chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Khi có đám cháy xảy ra các tổ, nhóm sẽ nhanh chóng được thành lập hỗ trợ lẫn nhau như lực lượng xung kích, tiếp tế, hậu cầu… nên tất cả đám cháy rừng đều nhanh chóng được dập tắt sau khi phát hiện” - ông Khiết cho biết.
Hiệu quả các đường băng cản lửa
Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện quản lý 1.180 héc ta rừng giáp giới với các xã Sơn Viên (Nông Sơn); Duy Phú, Duy Hòa, Duy Sơn (Duy Xuyên). Do vậy, công tác tuần tra, phòng chống cháy rừng luôn được đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại rừng.
Bắt đầu từ tháng 3 hàng năm, tổ kiểm tra rừng được thành lập, mỗi ngày đều tuần tra đến những khu vực có nguy cơ cháy rừng nhằm kiểm tra, dự lường, báo cháy...
Theo ông Nguyễn Duy – Trưởng phòng An ninh bảo vệ (Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn), không chỉ phòng, chống cháy rừng, việc phát triển các loài cây bản địa cũng được đơn vị tập trung xuyên suốt. Từ năm 2016, hàng nghìn cây bản địa đã được trồng mới, thay thế cây tạp. Tính đến nay, khoảng 15 nghìn cây bản địa như: lim, chò, gỏ, sao đen, cẩm lai... và hơn 500 cây ăn quả (mít, xoài, mận…) đã được trồng tại vùng lõi và ven di tích Mỹ Sơn.
“Phát triển rừng phải đi đôi với bảo vệ, hạn chế tối đa việc xâm hại rừng dẫn đến cháy rừng. Vì vậy, nhiều năm qua hầu như không xảy ra vụ cháy rừng nào nghiêm trọng nào ở Mỹ Sơn” - ông Duy khẳng định.
Có được kết quả trên nhờ Mỹ Sơn đã xây dựng được phương án bảo vệ rừng hiệu quả như bố trí lực lượng thường xuyên chốt trực tại vị trí cổng soát vé, đường dân sinh dẫn vào rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn người dân vùng giáp ranh vào rừng săn, bẫy, đốt ong, đốt than…
Tuy nhiên, phương án phòng chống cháy rừng hiệu quả mà Mỹ Sơn đã thực hiện thời gian qua chính là dựng trạm quan sát và phát đường băng cản lửa. Từ 5 năm nay Mỹ Sơn đã dựng một trạm quan sát cao gần 30m tại đồi Bánh Mỳ, hàng ngày bố trí người túc trực, quan sát, kịp thời phát hiện cháy rừng để báo cho các địa phương, đơn vị liên quan nhanh chóng khống chế dập lửa.
Đặc biệt, đã phát hàng chục ki lô mét đường băng cản lửa tại các vị trí giáp ranh và đường dân sinh. Cách làm này cũng đã phát huy tác dụng trong việc khống chế cháy rừng diễn ra đêm 18.5 tại xã Duy Hòa, lửa không bén được sang khu vực lân cận. Đến nay, Mỹ Sơn đã phát dọn được khoảng 27km đường băng cản lửa, rộng từ 10m – 30m nhằm ngăn chặn lửa lan rộng khi có cháy rừng xảy ra.