Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam khóa XIV Phan Việt Cường: "Thường xuyên trau dồi kinh nghiệm, lắng nghe cử tri"

THÀNH CÔNG (ghi) 21/05/2021 03:52

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng cần có của người đại biểu dân cử.

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường trong một lần phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: T.S
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Việt Cường trong một lần phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: T.S

Qua nhiệm kỳ 5 năm làm đại biểu Quốc hội (ĐBQH), tôi rút ra một số kỹ năng chính người đại biểu dân cử cần có.

Đầu tiên là kỹ năng thu thập, phân tích, xử lý và đánh giá thông tin. Là ĐBQH, thông tin rất nhiều: thông tin qua các cuộc tiếp xúc cử tri trước, trong và sau kỳ họp; thông tin từ nhân dân gửi gắm qua điện thoại, email, trong đó có nhiều thông tin liên quan đến đời sống người dân. Cho nên là ĐBQH, cần nghiên cứu thông tin, những thông tin xác đáng, bức xúc trong đời sống, cần có đánh giá để ghi chép, kiến nghị các cơ quan liên quan xử lý.

Thứ hai là kỹ năng tiếp xúc cử tri. Là ĐBQH phải thường xuyên tiếp xúc cử tri, cả ở các buổi tiếp xúc định kỳ, cả ở tiếp công dân, tiếp công dân tại trụ sở làm việc, khi người dân đến trình bày ý kiến, phản ánh bức xúc, kiến nghị. Phải lắng nghe tất cả kiến nghị của cử tri, đặc biệt phải có kiến thức tổng hợp. Có những vấn đề phải giải quyết tại chỗ cho người dân hiểu, có những vấn đề nếu vướng về pháp luật, thủ tục hành chính, phải thu thập thông tin, kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết. Đây là một kỹ năng rất khó, đòi hỏi người ĐBQH phải trau dồi kinh nghiệm, thường xuyên rèn luyện, lắng nghe và trả lời để nhân dân hài lòng.

ĐBQH cần phải có kỹ năng chất vấn. Từ thông tin thu thập được, qua tiếp xúc cử tri, ĐBQH phải biết rút ra những vấn đề nóng bỏng của cử tri, chọn vấn đề để chất vấn. Đây là một trong những việc hết sức khó khăn, đòi hỏi ĐBQH phải chọn lựa, tìm hiểu nguyên nhân, lý do, chất vấn có đúng không. Điều này đòi hỏi ĐBQH rèn luyện, phải tránh chất vấn những vấn đề nhỏ nhặt, không mang tính đại sự quốc gia, chất vấn sẽ kém hiệu quả.

Giám sát cũng là kỹ năng quan trọng. ĐBQH phải thực hiện chức năng giám sát về pháp luật, các nghị định, văn bản của Trung ương, các quy định của tổ chức cá nhân, địa phương thực thi nhiệm vụ như thế nào. Phải giám sát, từ đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật, pháp lệnh; đối với Chính phủ, những nghị định không phù hợp với thực tiễn phải kiến nghị, đề nghị xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức cá nhân liên quan.

Nhiệm vụ của ĐBQH là phải tham gia xây dựng pháp luật. Đây là kỹ năng rất khó, đòi hỏi phải có kiến thức tổng quát, nghiên cứu pháp luật trên thế giới, nghiên cứu pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ và trong thực tiễn qua đời sống xã hội có vấn đề gì mà luật đang đề ra. Người ĐBQH phải có kiến thức, phải đọc các luật khi ban hành, phải hiểu biết, nghiên cứu thảo luận qua thực tiễn để tham gia góp ý với Quốc hội sửa đổi phù hợp với thực tiễn, như thế đạo luật mới có sức sống lâu dài.

Tham gia phát biểu tại hội trường cũng đòi hỏi phải có kỹ năng. ĐBQH phải nắm bắt thông tin từ nhiều kênh, theo dõi thông tin, nhất là thông tin từ cử tri nơi mình ứng cử; phải nghiên cứu, lựa chọn nội dung tham gia phát biểu, đưa tiếng nói người dân đến với nghị trường. Thời gian phát biểu ở nghị trường chỉ có 7 phút, do đó phải chọn lựa vấn đề trọng tâm trọng điểm, để người dân hài lòng và ủng hộ với kiến nghị của mình.

Một kỹ năng quan trọng khác là trả lời với báo chí. Những vấn đề gì mình hiểu, nắm bắt được thì trả lời gọn, trọng điểm. Những vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu thì tìm hiểu kỹ, chọn lựa những vấn đề đúng, khách quan, phản ánh những bức xúc trăn trở của nhân dân, không nên đi vào vấn đề cá nhân.

THÀNH CÔNG (ghi)