Thăng Bình quản lý chất thải rắn hiệu quả

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 20/05/2021 06:16

Theo ước tính, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện Thăng Bình khoảng 66 tấn/ngày, trong đó khối lượng rác được thu gom, xử lý là 60 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 90,9%. Đó là kết quả nổi bật sau 5 năm địa phương này thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn giai đoạn 2016 - 2020. 

Những mô hình phân loại rác thải tại nguồn như “Mỗi hố rác một cây xanh” đang được huyện Thăng Bình thực hiện và nhân rộng. Ảnh: B.T
Những mô hình phân loại rác thải tại nguồn như “Mỗi hố rác một cây xanh” đang được huyện Thăng Bình thực hiện và nhân rộng. Ảnh: B.T

Từ năm 2016 đến nay, Phòng TNMT huyện Thăng Bình đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể tổ chức 50 lớp tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ môi trường; hơn 200 lớp tập huấn cho 10.000 lượt người dân. Hội LHPN các cấp cũng phát 40.000 tờ rơi tuyên truyền, 3.000 giỏ nhựa và túi sinh thái cho hội viên, phụ nữ. Các xã, thị trấn đều phát động người dân phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế rác thải nhựa.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Thăng Bình đã hỗ trợ các địa phương 11,2 tỷ đồng để thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn, xây dựng điểm trung chuyển xử lý rác thải tại các tuyến kênh mương. Đến nay 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình đã có tổ thu gom rác thải đến các kiệt, hẻm tại 100/106 thôn, tổ đạt tỷ lệ 94%, tăng 25% so với năm 2016.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng TN-MT huyện Thăng Bình cho biết, từ năm 2016 đến tháng 6.2020, tổng phí thu trong dân đạt hơn 18,7 tỷ đồng, trong khi tổng chi là 33,7 tỷ đồng. Đây là vấn đề khó khăn trong thực hiện Đề án quản lý chất thải rắn bởi nguồn thu hiện mới chỉ bằng một nửa so với tổng chi.

“Một trong các nguyên nhân là khối lượng rác thải phát sinh lớn, chi phí thu gom, vận chuyển cao. Vì vậy để duy trì có hiệu quả đề án, việc thực hiện phân loại và giảm thiểu rác thải tại nguồn là một giải pháp cần được chú trọng” - bà Hiền nói.

Ông Đoàn Kim Thịnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, trong 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình chỉ có 3 địa phương là Bình Triều, Bình Minh và Hà Lam thực hiện việc thu gom trực tiếp, còn lại thu gom tại các điểm trung chuyển. Đối với các địa phương thu gom ở điểm trung chuyển, công ty thực hiện đơn giá từ 215.000 - 220.000 đồng/khối. Đơn giá này đã được áp dụng từ năm 2017, so với hiện nay là quá thấp.

Ông Thịnh cho biết: “Trước đây, xe chở rác 3 chuyến/ngày nhưng nay đã hạn chế số chuyến để giảm chi phí cho các địa phương. Cách tốt nhất là người dân phải hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn để giảm lượng rác thải phát sinh, từ đó giảm được chi phí”.

Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng vấn đề môi trường phải được thực hiện xuyên suốt. Huyện Thăng Bình sẽ triển khai Đề án phân loại, giảm thiểu rác thải tại nguồn, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình. Năm 2021, Thăng Bình chọn 4 xã triển khai làm điểm, sang năm 2022 nâng lên 9 xã và đến giai đoạn 2023 - 2025 sẽ hoàn thành đề án này. Nếu thực hiện tốt Đề án phân loại rác thải tại nguồn sẽ giảm được tiền thu gom, giảm chi phí vận chuyển, xử lý. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn rác thải tái chế.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC