Khai thác thủy sản bền vững tại khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm: Bảo vệ nguồn giống, kết hợp du lịch
Quản lý và khai thác bền vững một số nhóm nguồn lợi cá có giá trị thương phẩm kết hợp với tour du lịch đang là hướng đi triển vọng tại Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm - Hội An.
Quản lý nguồn giống
Làm nghề chài lưới trên sông, ngư dân Diệp Hồ ở xã Cẩm Thanh (Hội An) đã hợp tác với Viện Hải dương học Nha Trang, làm Tổ trưởng Tổ quản lý cộng đồng gồm 12 thành viên và triển khai đánh bắt thử nghiệm một số loại ngư cụ mới.
Trước đây, khi khai thác trên vùng thảm cỏ biển từ rừng dừa nước Cẩm Thanh xuống gần khu vực cửa biển Cửa Đại, ngư dân như ông Hồ thường sử dụng lờ dây có mắt lưới nhỏ có thể đánh bắt thủy sản ở mọi kích thước. Bây giờ, ông Hồ đưa vào thử nghiệm 2 loại lờ có mắt lưới lớn hơn là lờ dây và rập tròn có mắt lưới từ 20mm trở lên.
“Loại lồng sưa ni chỉ bắt con cá lớn thôi, con cá nhỏ còn lại sau này nó lớn lên mình sẽ bắt tiếp thì có hiệu quả hơn” - ông Hồ cho biết.
Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang, trong khu vực Cẩm Thanh có nhiều con giống của các loài cá mú mè, cá mú điểm gai, cá dìa bông, cá dò, cá hồng bạc, cá nâu... Đây là những đối tượng chính có con mẹ ở vùng biển Cù Lao Chàm.
Cá bố mẹ đẻ con ở các rạn vùng nước sâu Cù Lao Chàm, sau đó trứng nổi lên, theo dòng chảy và sóng biển đưa vào vùng cửa sông Cẩm Thanh. Các nguồn giống xuất hiện vào nhiều thời điểm trong năm, cụ thể vào tháng 4 chủ yếu là cá mú, tháng 6 tháng 7 là cá dìa và cá hồng.
TS.Nguyễn Văn Long - Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, đang thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu cơ chế phát tán nguồn giống và tính liên kết quần thể nguồn lợi nâng cao hiệu quả quản lý các khu bảo tồn vùng biển ven bờ từ Quảng trị đến Kiên Giang”.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An là nơi duy nhất được chọn để thiết lập mô hình trình diễn theo phương thức quản lý nguồn lợi gắn kết với hệ sinh thái nhằm hướng đến quản lý và khai thác bền vững một số nhóm nguồn lợi cá có giá trị thương phẩm cao. Trong đó con giống cư trú và phát triển ở vùng cửa sông Thu Bồn - nơi có sự hiện diện của rừng dừa nước và thảm cỏ biển, còn nguồn lợi thương phẩm trưởng thành lại ghi nhận trên rạn san hô Cù Lao Chàm.
“Mục tiêu của đề tài là thiết lập mô hình quản lý nguồn giống tại Cẩm Thanh và nguồn lợi bố mẹ từ Cù Lao Chàm. Làm sao giữ được con bố mẹ và con giống để từng bước tái tạo và phục hồi nguồn lợi, mục đích là gia tăng bầy đàn và tạo điều kiện cho ngư dân khai thác được nhiều hơn” - TS.Nguyễn Văn Long nói.
Kết hợp làm du lịch
Trong 2 năm 2019 và 2020, mô hình quản lý nguồn cá giống này đã thiết lập 2 khu vực bảo vệ con giống tại Cẩm Thanh với diện tích hơn 50ha và quản lý cá bố mẹ tại cụm Rạn Mành, Hòn Tai (Cù Lao Chàm) với diện tích 300ha.
Tại Cù Lao Chàm có Tổ quản lý cộng đồng tiểu khu Bãi Hương và tại Cẩm Thanh có Tổ quản lý cộng đồng kết hợp với Tổ quản lý du lịch xã Cẩm Thanh, thường xuyên tổ chức tuần tra 2 ngày/lần nhằm ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác cá trái phép. Thời gian quản lý, bảo vệ nguồn giống từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm, sau đó mở lại cho ngư dân khai thác khi con giống đủ lớn.
Theo ông Huỳnh Sanh - Tổ quản lý du lịch xã Cẩm Thanh, quá trình tạo nguồn giống cho thủy sản rất quan trọng, mang tính lâu bền. Thêm vào đó, kết hợp khai thác bền vững và du lịch là tạo điều kiện cho người dân làm ăn lâu dài hơn.
Viện Hải dương học Nha Trang cũng ký văn bản hợp tác với Công ty Du lịch Jack’s Trần Tour để khai thác chương trình tour du lịch tìm hiểu, khám phá nguồn cá giống này. Du khách được đưa ra vùng dừa nước và thảm cỏ biển bằng thúng chai, tìm hiểu hệ sinh thái dừa nước và cỏ biển ven các cồn gò, vực nước chung quanh các dãy dừa từ vùng triều thấp trở xuống.
Sau đó, du khách trực tiếp xem ngư dân đánh bắt bằng lờ dây, rập tròn có mắt lưới lớn; tìm hiểu quá trình bảo vệ nguồn cá giống; thưởng thức các hoạt động hát dân ca, hô hát bả trạo và ẩm thực vùng sông nước.
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack’s Trần Tour nói: “Là doanh nghiệp khai thác tour sông nước này, tôi rất ủng hộ mô hình vì nó mang tính chất bền vững, khai thác có trách nhiệm với môi trường sinh thái. Dù mô hình đang thử nghiệm nhưng chắc chắn sẽ góp phần mang lại môi trường đánh bắt tốt hơn cho ngư dân, từ đó tạo môi trường du lịch tốt hơn cho Hội An về sau”.