Mất mùa rau câu chỉ vàng
(QNO) - Dù đang bước vào thời điểm chính vụ khai thác rong (rau) câu chỉ vàng, song theo nhiều nông dân thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành), vụ rong câu năm nay gần như mất trắng.
Rong câu chỉ vàng là đặc sản của thôn Hòa Bình, vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020. Loài rong này được tìm thấy nhiều trong tự nhiên ở vùng ít sóng gió, sinh trưởng mạnh ở các đìa, ao nuôi tôm nước lợ. Từ chỗ khai thác tự nhiên ở môi trường nước lợ, một số hộ dân bắt đầu đưa rong câu vào thả trong các ao đất tự nhiên, theo nước triều lên xuống để rong tự phát triển. Mùa khai thác rong câu bắt đầu từ tháng 2 - 6 âm lịch và thời điểm khai thác rộ từ tháng 4 - 5 âm lịch.
Thôn Hòa Bình có khoảng 60 hộ khai thác, nuôi trồng rong câu nhưng hiện chỉ còn mươi hộ duy trì. Ông Dương Văn Bảo (tổ 1, thôn Hòa Bình) chia sẻ: "Gia đình tôi có cả chục sào đất nuôi tôm, cua quảng canh, xen rong câu chỉ vàng và loài rong này sinh sôi trong các ao hồ rất mạnh. Mỗi vụ rong phơi khô tôi bán được 40 - 50 triệu đồng nhưng năm nay, thời điểm thu hoạch rộ, các ao không có rong, chỉ còn sót lại gốc rong câu nhưng sợi rất mỏng".
Bà Nguyễn Thị Thuận (vợ ông Bảo) cho biết thêm: "Vào mỗi mùa khai thác rong câu, cứ khai thác xong lứa rong này thì lứa khác lại mọc lên, thu hoạch phải 7 - 8 đợt mới hết. Tuy nhiên năm nay thì không có một mống, chỉ toàn gốc. Đây là lần đầu tiên xảy ra hiện tượng mất trắng vụ rong câu. Có tới 90 - 95% số hộ ở đây mất mùa rong câu dù đang ở thời điểm thu hoạch rộ".
Ông Lê Công Sỹ (thôn Hòa Bình) cho biết, ngoài khai thác tự nhiên, rong câu còn được thả nuôi xen ghép với nhiều đối tượng nuôi ở môi trường nước lợ khá hiệu quả. Rong câu dễ trồng, chỉ cần có cây giống cắm xuống ao nước mặn, lợ, có điều kiện phát triển tốt thì gần 3 tháng là có thể thu hoạch. "Trước kia, ao hồ của tôi thường có rong câu nhưng lâu nay không còn rong nữa. Một số hộ xung quanh cũng vậy" - ông Sỹ nói.
Rong câu có 2 loại, rong đen có giá 80 - 100 nghìn đồng/kg, rong trắng 100 - 150 nghìn đồng/kg. HTX Nông nghiệp Tam Hòa gần đây đứng ra xây dựng, phát triển nhãn hiệu "Rong câu Tam Hòa", xây dựng quy trình sơ chế, đóng gói, dán nhãn, đưa sản phẩm đi tiêu thụ.
Theo nhiều người, rong câu mất mùa có thể là do cuối năm 2020, ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, lũ lụt khiến lượng lớn nước ngọt đổ về khiến rong bị úng rễ, chết nhiều, bởi đặc tính loài này chỉ ưa nước lợ, mặn. Một số khác cho rằng, do môi trường, thời tiết, chất lượng nguồn nước trong các ao, đìa nuôi tôm bị ô nhiễm khiến rong khó phát triển.