Niềm tin yêu gửi lại...

ALĂNG NGƯỚC 18/05/2021 08:11

Ngày bầu cử sớm, tôi ghé sát già làng Blúp Dứ (ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, Nam Giang) hỏi chuyện về bội đội biên phòng (BĐBP). Già Dứ nhìn tôi, bảo nhiều vô kể. Bắt đầu từng việc cụ thể, câu chuyện dài như mạch nước ngầm trên núi…

Chốt gác biên giới kiểm soát dịch Covid-19 được duy trì, như một “lá chắn” nơi biên thùy. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chốt gác biên giới kiểm soát dịch Covid-19 được duy trì, như một “lá chắn” nơi biên thùy. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Già Blúp Dứ là người Tà Riềng, thầy giáo đầu tiên được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Dù nay đã ở tuổi 83, nhưng vóc dáng vẫn còn nhanh nhẹn. Thời trẻ, già Dứ và nhiều lớp người vùng cao ngày ấy là “cộng sự” đắc lực của BĐBP, luôn gắn kết, đồng hành trong suốt hành trình giảm nghèo ở vùng biên.

“Cháu thấy ruộng lúa phía bên kia không? Cũng là nhờ biên phòng, họ chỉ cách làm, cách chăm sóc, mà giờ mới nhiều như thế” - già Dứ chỉ tay về ruộng lúa nước dọc theo tuyến đường liên thôn của Đắc Ôốc, lòng đầy tự hào.

Hàng chục năm trước, từ sự giúp sức của biên phòng, bà con Cơ Tu, Tà Riềng đã lần lượt bỏ phát rẫy, bắt đầu tiếp cận một phương thức sản xuất hoàn toàn mới: làm ruộng lúa nước.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) góp sức di chuyển căn nhà người dân địa phương khỏi điểm sạt lở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) góp sức di chuyển căn nhà người dân địa phương khỏi điểm sạt lở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Giúp nhiều thứ lắm!”

Lên biên giới mùa lúa chín, sắc vàng phủ dọc con đường mới. Từ huyện Nam Giang, ngược đến Tây Giang, nơi nào cũng thấy tình quân dân hiện diện, ăm ắp niềm thương yêu. Người vùng cao luôn xem BĐBP như con dân của làng, vì thế mọi việc riêng tư, thậm chí là chuyện… “thầm kín” cũng đều được tỏ bày, cùng nhau tìm cách vượt qua. Thế mới thấy, bầu cử - câu chuyện giữa tôi và già Dứ chỉ như một lát cắt nhỏ trong biết bao việc làm khác của quân - dân biên giới.

Già Dứ nói, cả mấy tháng trời, lần họp nào với dân cũng đều có mặt của BĐBP. Khi thì tham gia đóng góp ý kiến, lúc thì đi tuyên truyền, dựng cổng chào, trang trí điểm bỏ phiếu…

“Biên phòng với dân như người một nhà, giúp nhiều thứ lắm. Như đợt dịch Covid-19 năm ngoái, rồi đến bây giờ, BĐBP đều luôn có mặt, cùng chính quyền xã đến tận các điểm dân cư để vận động, tuyên truyền người dân chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, cấp phát khẩu trang bảo vệ sức khỏe cộng đồng” - già Blúp Dứ tâm sự.

Năm ngoái, tôi lên Pêtapót. Ở xã Đắc Pring (Nam Giang), cụm dân cư này được xem là khó khăn nhất. Dân số chỉ vỏn vẹn… 40 người, đều là nhóm tộc Ve (một nhánh của Giẻ Triêng). Đường đi lại cách trở, Pêtapót nằm tách biệt với bên ngoài. Nin Khánh, người phụ nữ đã hai màu tóc, được dân làng tín nhiệm bầu thay thế người chồng quá cố để quản lý mọi việc trong khu dân cư. Bà nói, bây giờ cuộc sống của bà con đã dần đổi khác. Vài năm trước, từ sự giúp sức của BĐBP, cả 9 hộ dân không còn ai sống trong căn nhà tạm bợ nữa.

“Người dân đã có nhà mới để ở, có điện năng lượng mặt trời để thắp sáng, cuộc sống bây giờ đã bớt khó khăn hơn trước. Tất cả là nhờ công sức của BĐBP và các tấm lòng hảo tâm” - bà Nin Khánh chia sẻ. Đã thôi những đêm học dưới ánh đèn dầu lay lắt, Pêtapoót bây giờ đã có người học tới cao đẳng, đại học, trở thành giáo viên viết tiếp câu chuyện về hành trình gieo ước mơ con chữ.

Lực lượng BĐBP chăm sóc sức khỏe cho đồng bào biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lực lượng BĐBP chăm sóc sức khỏe cho đồng bào biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hôm ghé Đồn Biên phòng Đắc Pring, trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Văn Cường - Chính trị viên của đồn, mới biết anh em đang nhận nuôi một “đứa con” ở cụm dân cư Pêtapót. Đó là em Un Lộc, học sinh lớp 6 của Trường THCS liên xã Đắc Pre - Đắc Pring. Lộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, từ nhà đến trường khoảng gần chục cây số. Nhận nuôi nên phải chăm sóc đủ đầy. Ai cũng xem Lộc như con trong nhà, hàng ngày luân phiên giúp em học bài, hướng dẫn làm bài tập; cùng ăn, cùng ở như một “chiến sĩ nhí”.

Đến nay, hầu hết các đồn biên phòng cả 2 tuyến biên giới đất liền và biển đảo đều có con nuôi, với 16 em được bố trí ở chung đơn vị và hơn 60 em khác được nhận đỡ đầu. Nhờ sự chăm sóc, rèn luyện của các “bố biên phòng”, nhiều con nuôi đã tự tin giao tiếp, học lực tiến bộ hơn trước.

Ân nhân của làng

Lực lượng An ninh vũ trang Quảng Nam (tiền thân của Bộ đội Biên phòng Quảng Nam) được thành lập ngày 19.5.1961, tại thôn Bh’lô Hiền, xã Sông Kôn, huyện Hiên (nay là thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn, Đông Giang). Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP Quảng Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến; Huân chương Quân công hạng Nhất (2010); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2015) và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (2008). Năm 2000, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (Núi Thành) được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Ngoài ra, có 9 tập thể và 9 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 5 tập thể được tặng thưởng Huân chương Quân công các hạng Nhì, Ba; 11 tập thể được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba và 1 đơn vị được tặng “Đơn vị Quyết tử”; 44 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công giải phóng các hạng Nhất, Nhì, Ba; 12 cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”...

Tháng 5, đêm biên giới sương giăng khắp ngọn đồi. Sau bữa cơm tối, Thượng tá Dương Đệ Châu - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Xan (Tây Giang) kéo tôi xuống Phòng khám Đa khoa quân dân y A Xan nghỉ ngơi. Nơi này, là chỗ ở tạm của cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Kể từ sau cơn bão số 5 (tháng 10.2020), trụ sở làm việc và nhà công vụ bị uy hiếp bởi sạt lở đất, chỉ còn nhà ăn là có thể sử dụng.

Thời điểm đó, nhiều địa phương huyện Tây Giang cũng rơi vào tình cảnh bị thiên tai tàn phá. Vừa ở tạm, vừa giúp dân sơ tán, khắc phục hậu quả lũ lụt. Hơn một tháng ròng, các chiến sĩ biên phòng phải gồng mình giúp dân, từ vận chuyển nhà cửa, sửa chữa hệ thống nước sạch, ruộng lúa, cho đến góp công khắc phục đường sá, hỗ trợ lương thực…

Dù tất bật, vất vả nhưng anh em chiến sĩ vẫn vẹn nguyên một tinh thần sẵn sàng vì người dân bản, có lệnh thì lại lên đường. Nhờ sự kịp thời của BĐBP và dân quân xã, chỉ sau vài tiếng đồng hồ rời đi, hàng chục hộ dân ở thôn Ga’nil (xã A Xan) chứng kiến một cảnh tượng bàng hoàng: toàn bộ 3 căn nhà sát chân núi bị vùi lấp, cùng nhiều nhà khác bị ảnh hưởng nặng nề.

Cho đến bây giờ, công tác khắc phục đang được chính quyền địa phương gấp rút hoàn thiện. Người dân đồng lòng với chủ trương mà sẵn sàng hiến đất để chính quyền xã bố trí mặt bằng mới an toàn. Trong câu chuyện của người làng hôm nay, ngoài hân hoan với diện mạo “làng mới” đang sắp sửa hoàn thành, còn là lời nhắn nhủ với nhau về những ân nhân giúp họ vượt qua trong hoạn nạn: các chiến sĩ Đồn Biên phòng A Xan.

Chủ tịch UBND xã A Xan - ông Tơ Ngôl Thiếu nói, bà con rất biết ơn BĐBP. Ốm đau, bệnh tật, thậm chí là sinh con cũng đều nhờ đến sự giúp đỡ của cán bộ quân y BĐBP. Vì thế, thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng vào giữa năm ngoái, khi chốt gác kiểm soát được dựng lên, ngoài huy động lực lượng dân quân hỗ trợ, chính quyền xã còn vận động nhân dân chung sức cùng BĐBP làm tròn nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch, ngăn người vượt biên trái phép.

Mới đây nhất, khi BĐBP có chủ trương kiên cố hóa các chốt kiểm soát trong rừng sâu, cả cộng đồng biên giới đã góp sức vận chuyển vật liệu, giúp cán bộ chiến sĩ BĐBP có nơi ở mới ổn định, yên tâm làm nhiệm vụ. “Sau bão lũ, nhiều diện tích lúa nước tưởng không thể tái sản xuất, nhưng với sự hỗ trợ của BĐBP, bà con đã có thể tiếp tục duy trì vụ mùa mới” - ông Thiếu chia sẻ.

ALĂNG NGƯỚC