Ân tình với đồng đội
Ở Nông Sơn, khu Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Hóc Thượng, Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Khe Chín Khúc và Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp là những công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ, trở thành “địa chỉ đỏ” của những cuộc trở về thăm chiến trường xưa.
Những công trình này đều được xây dựng từ đóng góp của các nhà hảo tâm. Và câu chuyện của bà Nguyễn Thị Bích dành cho đồng đội khiến chúng tôi cảm động.
Khắc tên đồng đội vào bia đá
Chúng tôi thăm viếng khu Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Hóc Thượng trên đất Nông Sơn, kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ Trung đoàn 31. Hóc Thượng từ sau giải phóng là một vùng núi rừng xanh thẳm, dưới chân núi là mênh mông sóng nước hồ Trung Lộc.
46 năm sau ngày giải phóng, nơi đây đã dựng lên khu nhà bia tưởng niệm hàng trăm anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giải phóng quê hương. Công trình khánh thành vào đầu năm 2021, rộng 1.000m2, tọa lạc trên vùng đồi nhỏ, lưng tựa vào núi, mặt chính quay ra lòng hồ.
Ngoài khu nhà bia còn có các bia đá khắc tên, quê quán của từng liệt sĩ. Công trình có hệ thống mái che, khuôn viên cây xanh hoa cảnh, có bếp Hoàng Cầm, bức phù điêu phục dựng không gian chiến đấu và bàn ghế đá.
Để công trình tạc được hình hài, vóc dáng, có công sức và tấm lòng của bà Nguyễn Thị Bích. Bà Bích đã có những chuyến đi thầm lặng đến khắp mọi miền vận động nguồn lực xây dựng nơi tưởng niệm cho đồng đội.
Những chuyến đi vào Nam ra Bắc đã lấy đi biết bao công sức, thời gian của bà ở cái tuổi cần ngơi nghỉ. Ý tưởng, việc làm của bà ban đầu không nhận được sự đồng thuận của gia đình, bạn bè nhưng dần dà ai cũng nhận thấy ý nghĩa lớn lao đó, lại ra sức ủng hộ.
Thời làm Chánh Thanh tra Tổng cục Đường bộ miền Trung - Tây Nguyên, bà Bích giao du rộng, được đồng nghiệp, bạn bè yêu mến bởi sự chân chất của người xứ Quảng, đã nói là làm. Tấm lòng, hành động của bà Bích gây cảm hứng cho những người bạn, những đồng nghiệp cũ và các cựu chiến binh nên việc vận động nguồn lực có phần thuận lợi.
Bà tìm gặp các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, người con xa quê để trình bày ý tưởng, vận động nguồn lực. Khi đã có hàng tỷ đồng, bà Bích bàn giao nguồn lực, bắt tay cùng đồng đội, địa phương, đơn vị thiết kế, khảo sát vị trí xây dựng khu nhà bia...
Ngặt nỗi, khu vực Trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn 31, Quân khu 5 đã chìm lấp giữa những đồi keo bạt ngàn. Công tác vận động người dân hiến đất gặp không ít khó khăn, nan giải nhưng rồi cũng đâu vào đấy, việc thi công bắt đầu vào nửa cuối năm 2020. Toàn bộ việc vận chuyển vật liệu xây dựng với cát sạn, xi măng, sắt thép, lương thực đến Hóc Thượng toàn bằng ghe thuyền trên hồ Trung Lộc.
“Thời điểm xây dựng lại trúng đợt mưa lớn, vất vả, khổ sở, phải ăn dầm ở dề lại công trình. Đêm phải kéo máy nổ phát điện, giăng bạt che mưa cho thợ thi công. Quá cực nhọc, nhiều người bỏ cuộc, tôi đã phải đi năn nỉ họ dốc sốc vì cái chung, vì liệt sĩ. Rồi tôi khóc nức nở. Tôi đã khấn vái các anh phù hộ để vượt qua trở ngại, khó khăn” - bà Bích kể.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, công trình cũng hoàn thành đúng tiến độ. Khi đã mở được con đường đất lên khu nhà bia, bà Bích tiếp tục vận động bê tông hóa đoạn đường dài 4 - 5 cây số dẫn đến khu nhà bia để ô tô, xe máy đến tận nơi...
“Ngôi nhà chung” của liệt sĩ
“Nhiều trận đánh, địch đổ quân chốt giữ, mai phục nhiều ngày nên các đơn vị không lấy được thi hài của đồng đội mình để chôn cất. Địch vùi lấp thi thể các anh trong những hố tập thể, rồi mưa nắng phá hủy. Nhớ lại quãng đời đó, tôi xót xa, tiếc thương cho đồng đội đã nằm xuống. Nay có dịp làm được gì cho các anh, tôi nguyện hết sức” - bà Nguyễn Thị Bích nói.
Ngoài khu Nhà bia ở Hóc Thượng, còn có Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Trại Tiệp (xã Quế Ninh), Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ Khe Chín Khúc (xã Quế Lâm) cũng được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa của bà Bích và các cựu binh. Cũng vẫn là những chuyến đi qua khắp mọi miền của người phụ nữ tay yếu chân mềm nhưng có ý chí và quyết tâm cao độ.
Bà Bích tâm sự: “Hễ còn làm được gì cho các anh, đồng đội của tôi là tôi nguyện dốc hết sức”. Giọng bà chùng xuống khi kể về đồng đội.
“Bao năm rồi, nỗi đau vẫn còn đó, bao sự trông mong, bao cuộc kiếm tìm đã vô vọng. Thời đó tôi làm giao liên, gắn kết giữa hậu phương và tiền tuyến, chứng kiến không ít cảnh đổ máu, khoảng cách sinh tử chỉ trong chớp mắt. Ai cũng đau đớn khi những bữa tiệc khao quân với những nong cơm, nong thức ăn, chờ các anh... nhưng rồi đó là những bữa đợi chờ vô vọng. Máu xương của các anh đổ xuống quá nhiều” - bà Bích nói.
Ký ức kháng chiến đã được khắc vào những tượng đài giữa đất trời Nông Sơn. Lịch sử ghi lại, từ 18 - 20.10.1966, Trung đoàn 31 (Quân khu 5) đã đánh 8 trận, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, trong đó có lực lượng cố vấn Mỹ, bắt sống 54 tên, tiêu diệt gọn Đại đội 708 và Đại đội 3, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 51, tiêu hao nặng 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 51, bắn cháy 9 máy bay, thu và phá hủy nhiều vũ khí trang bị quân sự. Về phía ta, hy sinh hàng trăm cán bộ, chiến sĩ.
Bà Bích kể, khu Hóc Thượng vốn là Trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn 31 lúc bấy giờ. Căn cứ trạm phẫu này bị lộ, địch điên cuồng càn quét khiến gần 500 cán bộ, chiến sĩ được đưa về đây phẫu thuật thương vong nặng. Có 242 đồng chí anh dũng hy sinh, được an táng tại đây. Chỉ mới tìm được hơn 140 liệt sĩ khắc tên trên bia đá, Ban liên lạc Trung đoàn 31 đang sưu tầm hồ sơ lưu trữ để tìm đầy đủ tên tuổi các liệt sĩ.
Ngày cúng liệt sĩ ở Trại Tiệp và Khe Chín Khúc được ấn định vào dịp 26.7 âm lịch và cúng tất niên vào cuối năm. Còn Hóc Thượng chọn ngày 19.10 để cúng và dịp tất niên. Bà Bích tâm nguyện, nếu còn khỏe, bà sẽ tiếp tục vận động để tu sửa lại nhà bia ở Trại Tiệp, xây dựng phù điêu tái hiện cảnh dân quân du kích ta với chiến công bắn rơi 2 máy bay và tiếp tục trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan.
Bà Bích không nhớ hết bằng cách nào để những công trình tầm vóc trên hình thành, hoặc nếu có nhớ thì bà không muốn nói nhiều về những việc mình đã làm, chỉ mong đồng đội có nơi an nghỉ.
“Đó là sự trợ duyên rất lớn từ những người con, các cựu binh, nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc và chắc chắn, có sự phù hộ rất lớn của các anh, những hồn thiêng sông núi” - bà Bích nói. Âu cũng là chút ân tình của những người còn sống dành cho đồng đội...