“Đại biểu dân cử nói ít, làm nhiều”
(QNO) - Đó là nhắn nhủ của cử tri đơn vị bầu cử số 2 đối với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tại cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trực tuyến diễn ra sáng 14.5.
Đơn vị bầu cử số 2 có 5 ứng cử viên. Ngày 23.5 tới, cùng với cả nước, cử tri 6 địa phương: Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức và TP.Hội An bỏ phiếu bầu chọn 3 người ở đơn vị bầu cử này vào Quốc hội khóa XV.
Quyết liệt hơn với tham nhũng
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc, cử tri 6 địa phương đánh giá cao chương trình hành động của các ứng cử viên và kỳ vọng nếu trúng cử mỗi người sẽ luôn nỗ lực hết mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.
Cử tri Nguyễn Văn Dư (Nông Sơn) cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV làm được rất nhiều việc, được cử tri cả nước ghi nhận, đánh giá cao, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp như vừa qua.
Như nhiều ý kiến của cử tri, ông Dư gửi gắm, nếu được cử tri tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XV, các đại biểu cần đề xuất với Trung ương tiếp tục có chương trình, chính sách hiệu quả nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội miền núi.
“Chủ trương chung về phát triển kinh tế - xã hội miền núi đã có rồi, song vấn đề cụ thể hóa chủ trương chung đó và đưa được đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn là điều cử tri chúng tôi hết sức quan tâm” - ông Dư nói.
Trong khi đó, cử tri Huỳnh Tấn Thành (xã Duy Phước, Duy Xuyên) cho rằng, sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; giá cả đầu vào, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Nhất là khó khăn về nguồn nước tưới do nắng hạn gay gắt kéo dài và xâm nhập mặn đến sớm hơn.
Theo ông Thành, nếu trúng cử, các đại biểu có tiếng nói tại diễn đàn Quốc hội ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là đầu tư kiên cố hóa kênh mương. Đầu tư cứng hóa, bê tông hóa giao thông nội đồng, cải tạo chỉnh trang đồng ruộng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn, sản xuất nông nghiệp xanh - sạch - nông nghiệp hữu cơ.
“Nên có cơ chế, chính sách cho dồn điền đổi thửa, khuyến khích tích tụ ruộng đất. Có có kế hoạch cân đối sản xuất nông nghiệp phải gắn cho được với thị trường tiêu thụ sản phẩm ở tầm vĩ mô để sản xuất nông nghiệp ổn định và phát triển, để đảm bảo nguồn thu nhập, nâng cao đời sống của người dân” - ông Thành phát biểu.
Cho rằng chương trình nghị sự của Quốc hội bao giờ nội dung lớn nhất cũng là xây dựng luật, cử tri Trương Thanh Xuân (Hội An) nhắn nhủ: “Đại biểu dân cử cần nói ít, làm nhiều. Nếu các vị trúng cử phải tham gia tích cực, có trách nhiệm vào công tác này (xây dựng luật - PV), vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước”.
Cũng theo ông Xuân, Đảng ta đã khẳng định chống tham nhũng không có vùng cấm, và thời gian vừa qua đã làm rất tốt. Nhưng đã làm triệt để và “không có vùng cấm” chưa thì cũng đề nghị các ĐBQH khóa mới nên nhìn nhận, đánh giá cụ thể.
“Để đất nước phát triển bền vững, công tác phòng chống tham nhũng phải được thực hiện quyết liệt, triệt để từ cấp cơ sở đến Trung ương. Các vị là đại diện cho cử tri, nhân dân nên tại nghị trường cần có đề xuất, tiếng nói quyết liệt đối với công tác này” - ông Xuân bày tỏ.
Tiếp tục chăm lo cho miền núi
Thay mặt các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tiếp thu, trao đổi làm rõ thêm 15 lượt ý kiến phát biểu với 50 vấn đề được cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc sáng 14.5.
Liên quan đến các chế độ chính sách, ông Dũng cho biết, trong chương trình hành động của ứng cử viên ĐBQH khóa XV tại 3 đơn vị bầu cử của tỉnh đều xác định đây là nội dung cần trao đổi, đề xuất với các bộ ngành Trung ương.
“Nhiều cử tri đề xuất sớm triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 trong toàn dân. Theo chủ trương của Chính phủ, lực lượng tuyến đầu chống dịch ưu tiên tiêm trước, sau đó từng bước sẽ tiêm vắc xin cho nhân dân” - ông Dũng giải thích.
Trên lĩnh vực giao thông, thủy lợi, theo ông Dũng, những năm qua Quảng Nam tập trung làm quyết liệt, đạt được nhiều kết quả, các tuyến giao thông đều được đầu tư. Nhưng vẫn còn những bức xúc, trăn trở được cử tri các địa phương quan tâm và đó là điều hoàn toàn chính đáng.
Nhiều tuyến giao thông chưa được kết nối như tuyến Nông Sơn nối Trường Sơn Đông; tuyến quốc lộ 14E chật hẹp đi lại khó khăn, tai nạn giao thông liên tục xảy ra… Lãnh đạo tỉnh đã thấy và nhiều lần đề nghị với Trung ương.
Ông Dũng thông tin, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư khi làm việc với Quảng Nam đều quan tâm đến tuyến quốc lộ 14E, đã xếp vào danh mục đầu tư ưu tiên hàng đầu. Tổng kinh phí lớn gần 1.400 tỷ đồng, nối đường Võ Chí Công đến đường Hồ Chí Minh. Ngân sách Trung ương đầu tư nên tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 05 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi của tỉnh. Qua 5 năm thực hiện đã mang lại những kết quả rất tốt, góp phần thay đổi diện mạo và đời sống người dân miền núi.
“Tỉnh ủy sẽ tổng kết nghị quyết này trong thời gian tới và ban hành nghị quyết mới, thay thế Nghị quyết 05. Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội miền núi có quan điểm, mục tiêu, chương trình gắn kết với Nghị quyết 88 của Quốc hội để đầu tư cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh” - ông Dũng nói.