Nỗ lực vì mục tiêu phát triển bền vững - Bài 1: Lắng nghe để làm tròn vai
Tùy vị trí công tác, tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương nơi ứng cử, các ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh có những mối quan tâm khác nhau khi trình bày chương trình hành động (CTHĐ) trước cử tri để vận động bầu cử. Song, các CTHĐ đều hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống nhân dân và phát triển bền vững.Đáng chú ý, nhiều CTHĐ của các ứng cử viên đã bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII để có những đề xuất cụ thể, khả thi nhằm góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống.
BÀI 1: LẮNG NGHE ĐỂ LÀM TRÒN VAI
Các cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức đồng loạt những ngày gần đây nhằm giúp cho các ứng cử viên được gặp gỡ, trình bày CTHĐ trước cử tri để vận động bầu cử.
Tuy nhiên, tại đây, nhiều cử tri cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề đạt kiến nghị đối với Đảng, chính quyền các cấp, với mong muốn những người trúng cử sẽ làm thật tốt vai trò đại diện của nhân dân.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vẫn nỗ lực tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri để các ứng cử viên vận động bầu cử theo quy định của pháp luật.
Các biện pháp phòng chống dịch bệnh được thực hiện nghiêm ngặt; tất cả đại biểu tham dự đều tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào khu vực hội nghị.
Tại nhiều điểm tiếp xúc, cử tri chăm chú lắng nghe các ứng viên trình bày CTHĐ và tham gia ý kiến sôi nổi trên nhiều lĩnh vực; đã cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng của nhân dân đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp lần này.
Tiếng nói từ cuộc sống
Bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của quê hương, đất nước trong giai đoạn mới; nhưng “trọng tâm” trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử các cấp, vẫn là những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của người dân về những vấn đề tồn tại, bức xúc từ thực tiễn đã và đang tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của nhân dân.
Diễn biến của các buổi tiếp xúc cử tri để vận động tranh cử trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đang diễn ra ở nhiều địa phương cũng không ngoại lệ.
Có không ít ý kiến phản ánh, kiến nghị về các chính sách vĩ mô tác động ảnh hưởng trong cả nước như tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn hiệu quả; việc thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa, tái định cư còn nhiều bất cập; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân...
Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến bày tỏ sự quan tâm đến những vấn đề “sát sườn” với Quảng Nam, với từng địa phương, thậm chí với từng khu dân cư, khối phố hoặc bản thân gia đình mình.
Ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam tại nhiều điểm tiếp xúc cử tri cho thấy, nhân dân ở các địa phương cho rằng, Quảng Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều nơi chưa đồng bộ, quy hoạch có nơi để kéo dài nhiều năm do chưa có đủ nguồn lực đầu tư, ngập úng cục bộ ở một số khu dân cư vẫn còn diễn ra. Công tác quản lý tài nguyên đất đai, lâm sản, khoáng sản, bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập.
Việc giải quyết các bức xúc, vướng mắc của nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư... chưa kịp thời và thỏa đáng. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp và công tác kiểm soát, phòng chống các tệ nạn xã hội chưa triệt để...
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cử tri kiến nghị với Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cuộc sống bình yên của nhân dân; có chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời giúp doanh nghiệp và người dân ổn định đời sống và sản xuất.
Cũng có những ý kiến cử tri đề nghị giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn đọng kéo dài nhiều năm tại khu dân cư mình sinh sống, như vấn đề vệ sinh môi trường, về cấp sổ đỏ, cấp điện, nước sinh hoạt…
Bày tỏ những bất cập, bức xúc từ thực tiễn, cử tri cũng “trao gửi” niềm tin và giao “nhiệm vụ” cho các ứng cử viên, nếu trúng cử sẽ đại diện cho mình…
Cam kết làm tròn vai
Các ứng cử viên khi tiếp xúc với cử tri đều cam kết sẽ luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sâu sát với thực tiễn để xứng đáng với vai trò đại diện của nhân dân trong các cơ quan quyền lực nhà nước, nếu được nhân dân tín nhiệm.
Thậm chí, nhiều vị cho rằng, cho dù không trúng cử, nhưng với chức trách, nhiệm vụ, vị trí đang công tác, vẫn nỗ lực góp phần giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đáng chú ý, khi xây dựng CTHĐ để trình bày trước cử tri, nhiều ứng cử viên đã có sự tìm hiểu, nắm bắt khá kỹ tình hình thực tiễn tại địa phương nơi được giới thiệu ra ứng cử. Vì thế, trong CTHĐ, đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, bức xúc của địa phương, kèm theo đó là đề xuất các giải pháp mà bản thân sẽ triển khai khi trúng cử.
Cũng có những CTHĐ đề xuất kế sách nhằm khai phóng, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khu vực nhằm tạo sức bật, đột phá phát triển, qua đó, góp phần thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trong khá nhiều CTHĐ của các ứng cử viên, nhất là với các ứng cử viên là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, có rất nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể về quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch cảnh quan lưu vực các dòng sông; về giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững ở miền núi; về công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch tất cả thông tin, thủ tục hành chính, nhất là trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ưu đãi thu hút đầu tư, quản lý xây dựng cơ bản nhằm tạo thuận lơi tối đa cho người dân; về bảo vệ môi trường, xử lý dứt điểm tình trạng rác thải, nước thải...
Trên hết và quan trọng nhất, các ứng cử viên đều khẳng định, sẽ luôn phấn đấu để trở thành đại diện xứng đáng của nhân dân, làm tròn trách nhiệm trước nhân dân.
----------------------
Bài 2: Tạo động lực phát triển mới