Sông băng trên thế giới tan chảy kỷ lục

KIM OANH 07/05/2021 17:31

(QNO) - Tạp chí Nature (Anh) vừa đăng tải phát hiện mới nhất của các nhà khoa học về hiện tượng tan chảy tại các dòng sông băng trên thế giới. 

Thế giới có thể mất đi 10% sông băng vào năm 2020. Ảnh: laptrinhx.com
Thế giới có thể mất đi 10% sông băng vào năm 2050. Ảnh: laptrinhx.com

Qua xem xét dữ liệu vệ tinh trong 20 năm của 220.000 sông băng vùng núi trên thế giới, các nhà khoa học phát hiện rằng, kể từ năm 2015, các sông băng trên mất 298 tỷ tấn băng và tuyết mỗi năm. Lượng băng tan này cũng đủ để nhấn chìm một quốc gia như Thụy Sĩ dưới 7,2m nước.

Các nhà khoa học lý giải, hiện tượng tan băng kỷ lục do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt mà con người lại là thủ phạm chính. Từ lâu, giới khoa học cảnh báo rằng nhiệt độ ấm lên đang thu hẹp các sông băng trên khắp thế giới.

Tốc độ tan băng theo từng năm trong giai đoạn 2015 - 2019 được xác định cao hơn 78 tỷ tấn so với trong giai đoạn từ năm 2004 - 2014, phân nửa đến từ các sông băng Mỹ và Canada.

Romain Hugonnet, nhà nghiên cứu về băng tại ETH Zurich và Đại học Toulouse ở Pháp nói: “Tỷ lệ tan chảy của Alaska (Mỹ) là một trong những mức cao nhất trên hành tinh”.

Ông Hugonnet nói thêm, hầu như tất cả các sông băng trên thế giới đang tan chảy. Ngay cả những sông băng từng rất “rắn” giờ cũng đang tan chảy, chẳng hạn như những sông băng ở Tây Tạng. Hiện tượng nóng chảy phản ánh sự gia tăng nhiệt độ trên toàn thế giới, chủ yếu từ đốt than, dầu và khí đốt.

Băng tan, nước biển dâng có thể nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới. Ảnh: theceomagazine
Băng tan, nước biển dâng có thể nhấn chìm nhiều thành phố trên thế giới. Ảnh: theceomagazine

Trong khi hàng triệu người sử dụng nước từ băng tan để làm nước uống, hiện tượng tan chảy rất nhanh cũng có thể gây ra lũ lụt chết người ở những nơi như Ấn Độ, Bangladesh...

Nhưng mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới là mực nước biển dâng cao. Các sông băng là một trong những nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng.

Theo các nhà khoa học, ngay cả khi lượng khí thải giảm trên toàn thế giới và nhiệt độ của hành tinh được kiểm soát, có thể mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm để hồi phục lại các sông băng đã tan chảy, mà thậm chí có thể không.  

Còn nhớ 2 năm trước, các nhà khoa học, nhà hoạt động vì khí hậu, người dân địa phương và các quan chức chính phủ ở Iceland thậm chí còn tổ chức tang lễ cho một con sông băng Okjokull sau khi nó tan chảy đến mức không đủ độ dày tối thiểu của một dòng sông băng. Dòng sông đã chết vào năm 2014 khi băng tuyết tan chảy nhanh hơn tốc độ tích tụ.

Nghiên cứu mới nhất được đăng trên Nature cũng là nghiên cứu đầu tiên sử dụng hình ảnh vệ tinh 3D để kiểm tra tất cả các sông băng trên trái đất. Trong khi trước đây, các nghiên cứu chỉ xem xét một số lượng nhỏ sông băng hoặc chỉ ước lượng sự mất mát của sông băng trên trái đất nên sẽ có biên độ sai số cao. 

KIM OANH