Thành lập trung tâm dữ liệu toàn cầu về đại dịch
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp với Đức để xây dựng trung tâm dữ liệu toàn cầu nhằm ngăn chặn Covid-19 cũng như sớm cảnh báo về các đại dịch khác có thể xảy ra.
Trung tâm dữ liệu toàn cầu này sẽ bắt đầu hoạt động tại Berlin, Đức vào tháng 9 tới nhằm nhanh chóng phân tích dữ liệu để dự đoán, phát hiện, chuẩn bị ứng phó và ngăn ngừa các mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nổi lên, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia và các viện khoa học.
WHO khẳng định, trung tâm phải có thể phát hiện các tín hiệu đại dịch sớm hơn các hệ thống hiện tại và chia sẻ thông tin đến các quốc gia để đối phó đại dịch.
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, Covid-19 bùng phát đã làm lộ ra những lỗ hổng trong hệ thống toàn cầu về đại dịch và thông tin tình báo về dịch bệnh.
“Sẽ có thêm nhiều loại vi rút có thể xuất hiện. Vi rút di chuyển nhanh. Nhưng dữ liệu có thể di chuyển nhanh hơn nữa. Với thông tin phù hợp, các quốc gia và cộng đồng có thể đi trước một bước trước nguy cơ mới xuất hiện và cứu sống nhiều người” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Berlin hiện sở hữu các trung tâm nghiên cứu sức khỏe và kỹ thuật số, trong đó bao gồm Viện Robert Koch về các bệnh truyền nhiễm. Việc Đức phối hợp với WHO thành lập trung tâm dữ liệu toàn cầu về đại dịch vì thế được kỳ vọng sẽ mang lại khả năng cảnh báo rủi ro đại dịch để ứng phó hiệu quả hơn.
Được biết, Đức sẽ tài trợ 30 triệu euro (36 triệu USD) chi phí khởi động trung tâm này, nhưng ngân sách để trung trung tâm hoạt động trong thời gian tới đang được thảo luận.