Để phụ nữ tự tin ứng cử

VINH ANH - HÀN GIANG 30/04/2021 04:01

Việc chuẩn bị tốt về tâm lý lẫn kỹ năng vận động bầu cử sẽ giúp các ứng cử viên (ƯCV) nói chung và nữ ƯCV đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026) mạnh dạn, tự tin bước vào cuộc bầu cử lần này.

Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh (giữa) chia sẻ kinh nghiệm với các nữ ứng cử viên. Ảnh: ANH ĐOAN
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh (giữa) chia sẻ kinh nghiệm với các nữ ứng cử viên. Ảnh: ANH ĐOAN

Lần đầu ứng cử

Sau vòng hiệp thương lần thứ ba, tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và nữ ứng cử đại biểu HĐND 3 cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026) ở Quảng Nam đảm bảo đạt trên tỷ lệ quy định (35%). Cụ thể, nữ ứng cử ĐBQH khóa XV có 5/13 người (tỷ lệ 38%), nữ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh có 42/91 người (tỷ lệ 46,15%), HĐND cấp huyện có 390/921 người (tỷ lệ 42,3%) và HĐND cấp xã có 3.290/8.862 người (tỷ lệ 37,1%).

Mong muốn đóng góp tích cực khi trở thành đại biểu dân cử

Trước thềm vận động bầu cử, nhiều ƯCV đã chia sẻ về chương trình hành động của bản thân và những trăn trở, dự định khi trở thành đại biểu dân cử. Bà Lê Thị Minh Tâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (ƯCV đại biểu HĐND tỉnh) cho rằng, với vai trò, trách nhiệm là người đại diện cho tổ chức Hội Nông dân, cho giai cấp nông dân tỉnh, có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết để chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân, nhất là tạo việc làm cho lao động nông thôn, cho nông dân bị giải tỏa, thu hồi đất; vấn đề liên kết giải quyết đầu ra cho sản phẩm của nông dân, ô nhiễm môi trường nông thôn...

Trong khi đó, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam mong muốn khi trở thành đại biểu dân cử, bên cạnh đưa kiến nghị của cử tri đến nghị trường, ngành chức năng, bà sẽ tiếp tục thực hiện tốt chủ trương chính sách về tiền tệ nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, cụ thể là các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp và hộ kinh doanh, chương trình cho vay nông nghiệp phát triển nông thôn theo chủ trương của Chính phủ...

Hiện nay, các ƯCV tập trung xây dựng chương trình hành động để thực hiện quyền vận động bầu cử. Trong đó, tiếp xúc cử tri được cho là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định thành công đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Người ứng cử trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại đơn vị mình ứng cử để báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động nếu được bầu làm đại biểu dân cử.

Vinh dự xen lẫn sự căng thẳng, hồi hộp, lo lắng…, là những cảm xúc mà nhiều ƯCV cảm nhận, khi chuẩn bị bước vào giai đoạn vận động bầu cử. Đặc biệt là với những người ứng cử lần đầu, những ƯCV nữ, trẻ tuổi, vốn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong tiếp xúc cử tri.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1979) - Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam, cho biết rất vinh dự khi lần đầu được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND tỉnh. Sự tín nhiệm, giới thiệu của cử tri giúp bà Hạnh có thêm động lực nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Quảng Nam qua nhiệm vụ mới nếu có cơ hội trúng cử. “Bản thân tôi cho rằng vinh dự luôn đi kèm trách nhiệm và áp lực lớn” - bà Hạnh nói.

Trang bị kỹ năng

Với nhiều ƯCV, nhất là những người lần đầu ứng cử, việc xây dựng cũng như trình bày chương trình hành động tốt, đáp ứng sự mong đợi của cử tri là điều không dễ dàng. Nhằm hỗ trợ các ƯCV nữ lần đầu tham gia ứng cử, mới đây, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho 383 nữ ƯCV ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện (nhiệm kỳ 2021 - 2026).

Với kinh nghiệm qua nhiều lần ứng cử làm đại biểu dân cử, bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh cho rằng để vận động bầu cử hiệu quả, đầu tiên các ƯCV cần thu thập thông tin về nơi mình được giới thiệu ứng cử ở tất cả lĩnh vực, lưu ý những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc nhất. Từ đó phân tích các thông tin, lựa chọn những nội dung cơ bản, trọng tâm để xây dựng chương trình hành động.

“Quan trọng là kỹ năng vận động, thương thuyết trong khi tiếp xúc cử tri, biết tranh thủ, ngoại giao khéo léo, biết đặt vấn đề, tiếp thu ý kiến, thắc mắc của cử tri… Và yếu tố quan trọng nhất trong vận động bầu cử là tri thức, sự am hiểu của ƯCV ở nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề cử tri quan tâm…” - bà Lộc nói.

Lần đầu tiên ứng cử đại biểu HĐND huyện Phú Ninh, bà Trần Thị Thu Sang - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phú Ninh chia sẻ: “Với kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều năm công tác, trưởng thành từ cơ sở, gắn bó với nhân dân, tôi sẽ bám sát tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội của địa phương, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân ở địa bàn tôi được phân công ứng cử để tập trung xây dựng và trình bày chương trình hành động chất lượng nhằm tạo thiện cảm, niềm tin và sự ủng hộ của cử tri”.

Còn bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh (ƯCV đại biểu HĐND tỉnh tại đơn vị bầu cử số 4, thuộc huyện Duy Xuyên) thì cho biết: “Là ƯCV nữ, lần đầu tham gia ứng cử nên việc xây dựng chương trình hành động gặp nhiều bỡ ngỡ. Đặc biệt, khi được giới thiệu ứng cử tại quê nhà, thì trách nhiệm với cử tri đặt ra cho tôi nhiều hơn. May mắn, tôi được tham gia tập huấn và với công việc chuyên môn có điều kiện tiếp cận thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, của địa phương, để từ đó trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để trình bày, tiếp xúc cử tri trong thời gian đến”.

DANH SÁCH 13 NGƯỜI ỨNG CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV ĐƠN VỊ QUẢNG NAM

Ngày 27.4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia ký nghị quyết công bố danh sách 868 người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 ĐBQH khóa XV. Trong đó tỉnh Quảng Nam có 13 người ứng cử ĐBQH tại 3 đơn vị bầu cử (Trung ương giới thiệu 3 người) để bầu 7 người, gồm:

ĐƠN VỊ BẦU CỬ SỐ 1 (gồm thị xã Điện Bàn và các huyện Đại Lộc, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn; có 4 người ứng cử, với số ĐBQH được bầu là 2):

1. Ông Nguyễn Văn Hiếu, SN 1978; chuyên viên Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.

2. Bà Arất Thị Thúy Nga, SN 1994; giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Nam Giang.

3. Ông Vương Quốc Thắng, SN 1975; Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội (đại biểu Trung ương giới thiệu).

4. Bà Đặng Thị Bảo Trinh, SN 1986; Thị ủy viên, Bí thư Thị đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thị xã Điện Bàn.

ĐƠN VỊ BẦU CỬ SỐ 2 (gồm TP.Hội An và các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức; có 5 người ứng cử, với số ĐBQH được bầu là 3):

1. Ông Zơrâm Duy, SN 1992; giáo viên, Phó Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

2. Ông Lê Văn Dũng, SN 1966; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

3. Ông Tạ Văn Hạ, SN 1970; Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (đại biểu Trung ương giới thiệu).

4. Bà Dương Thị Trà Linh, SN 1980; Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Duy Xuyên.  

5. Ông Dương Văn Phước, SN 1967; Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.

ĐƠN VỊ BẦU CỬ SỐ 3 (gồm TP.Tam Kỳ và các huyện Núi Thành, Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phú Ninh; có 4 người ứng cử, với số ĐBQH được bầu là 2):

1. Ông Phan Thái Bình, SN 1974; Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc tỉnh Quảng Nam.

2. Bà Phạm Thị Điểm, SN 1978; Trưởng phòng Thông tin - lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

3. Ông Nguyễn Đức Hải, SN 1961; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội; Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt - Anh (đại biểu Trung ương giới thiệu).

4. Bà Nguyễn Thị Hải, SN 1977; Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nam Trà My.

VINH ANH - HÀN GIANG