Thăng Bình: Nhiều người nhập viện vì ngộ độc thức ăn
(QNO) - Từ ngày 24 - 26.4, nhiều người dân trên địa bàn huyện Thăng Bình nhập viện, cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy liên tục. Đáng chú ý, phần lớn trong số họ đã cùng ăn bánh mì của một hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Hà Lam (Thăng Bình).
Sáng 24.4, trước khi đi làm, bà Trần Thị Ánh Hồng (khu phố 1, thị trấn Hà Lam) ăn bánh mì của một hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Hà Lam. Đến trưa, bà dự một tiệc cưới ở TP.Đà Nẵng, có ăn xôi, thịt và uống 1 lon bia. Chiều cùng ngày, bà Hồng bị đau bụng và tiêu chảy liên tục.
Nghĩ bị đau bụng thông thường nên bà Hồng chỉ uống thuốc Berberin. Tuy nhiên sau đó, tình trạng đau bụng vẫn không thuyên giảm mà còn sốt cao (hơn 40 độ C) nên bà phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình vào tối 24.4.
“Ban đầu tôi nghĩ do ăn phải thức ăn tại đám cưới lạ bụng nên đau bụng, thế nhưng cùng thời điểm tôi nhập viện có nhiều trường hợp khác cùng mắc phải triệu chứng tương tự, cũng cấp cứu, điều trị. Các bác sĩ cho tôi hay có nhiều bệnh nhân nhập viện trong buổi sáng 24.4 đều ăn bánh mì của cùng một hộ kinh doanh trên địa bàn thị trấn Hà Lam” - bà Hồng kể.
Nhờ vào viện kịp thời và được bác sĩ tích cực điều trị nên đến nay sức khỏe bà Hồng đã tốt hơn, không còn bị tiêu chảy liên tục như những ngày trước.
Ông Trương Văn Sanh (khu phố 7, thị trấn Hà Lam) cũng nhập viện vào tối 24.4 do đau bụng, tiêu chảy liên tục. Ông Sanh cho biết, cả 3 thành viên gia đình ông trong cùng buổi sáng 24.4 đã ăn bánh mì của một hộ kinh doanh ở thị trấn Hà Lam, đến trưa thì ăn cơm ở nhà.
Ông Sanh đau bụng, tiêu chảy ngay trong chiều 24.4; còn bà Nguyễn Thị Ba (con ông Sanh) trong cùng ngày có xuất hiện triệu chứng đau bụng nhẹ nhưng sau đó chuyển nặng dần, phải nhập viện vào ngày 25.4.
“Tôi và ba tôi (ông Sanh) đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình, còn em tôi thì phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa với những triệu chứng tương tự. Sau nhiều ngày được bác sĩ truyền nước, cho uống thuốc, sức khỏe chúng tôi đã tốt hơn và có thể xuất viện trong ngày mai (29.4)” - bà Ba cho biết.
Ông Lộ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cho biết, từ ngày 24 - 26.4 có khoảng 20 trường hợp nhập viện do đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy liên tục. Theo thông tin từ nhiều bệnh nhân, họ ăn bánh mì cùng một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thị trấn Hà Lam.
Qua thời gian khám, chẩn đoán, điều trị thì có 2 bệnh nhân bị ngộ độc thức ăn; những trường hợp còn lại mắc chứng viêm dạ dày ruột cấp (một triệu chứng của ngộ độc do ăn thực phẩm không đảm bảo an toàn).
Tuy nhiên, sự việc xảy ra vào cuối tuần nên ngành y tế huyện không kịp thời kiểm tra, lấy mẫu bánh mì đi xét nghiệm. Vừa qua, Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cùng ngành chức năng đã kiểm tra và lập biên bản đối với hộ kinh doanh bánh mì nói trên. Đây là một hộ kinh doanh tự phát, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
“Do chỉ có 2 trường hợp bị ngộ độc và không lấy mẫu kịp thời ngay trong ngày 24.4 nên chúng tôi không thể kết luận chính xác là bánh mì có phải nguyên nhân gây ra nhiều trường hợp bệnh nhân đau bụng và nhập viện hay không. Tuy nhiên trong thời điểm nắng nóng hiện nay, việc sử dụng các nguồn thức ăn không đảm bảo đều có thể dẫn đến tình trạng đau bụng, tiêu chảy và ngộ độc” - ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, trung tâm đã phân công cán bộ y tế dự phòng phối hợp với lực lượng y tế cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền các hộ dân kinh doanh phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, nhất là các trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng tại Trung Y tế huyện Thăng Bình, từ ngày 24 - 26.4, nhiều trường hợp khác cũng nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Thăng Hoa và một số cơ sở y tế tư nhân với triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.
Ngành y tế huyện Thăng Bình khuyến cáo người dân cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi, sử dụng các nguồn thực phẩm có nguồn gốc và thường xuyên rửa tay sạch sẽ để giữ gìn sức khỏe bản thân và trong gia đình. Khi có triệu chứng ngộ độc thức ăn, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.