Dưới chân thủy điện
Hồ Văn Rương đưa tay vốc từng bụm nước chảy ra từ cái ống nhỏ cắm thẳng vào một lỗ đá, đưa lên miệng uống ngon lành. Dăm chai nhựa Rương mang theo lần lượt đầy nước. “Không biết còn được bao nhiêu ngày nữa. Thủy điện đắp xong, chỗ này sẽ ngập hẳn. Chỉ có một chỗ này lấy nước, làm gì có nơi nào nữa để mà lựa chọn” - Rương nói.
1. Nơi Rương đứng gọi là khe Nước Dút, ở không xa thôn 1 (xã Phước Năng, Phước Sơn). Khô rộc vì nắng, nhưng lạ thay, cái ống nhỏ cắm thẳng vào đá ấy cứ âm thầm, rỉ rả chảy, trong vắt và mát lạnh. Thôn 1 có 254 hộ với 888 khẩu, thì tất thảy đều lấy nước từ khe nước Dút này để uống, hàng chục năm, đời này sang đời khác, mùa này sang mùa khác.
Nước Dút, theo lý giải của Rương - trưởng thôn 1, là nguồn nước tinh khiết nhất cho cả làng. Đó không hẳn chỉ là kinh nghiệm của người già sống trong vùng, mà còn bởi niềm tin vốn đã tồn tại trong ý nghĩa của người Bhơ-noong thôn này. Nguồn nước chưa bao giờ bị phèn, bị đục hay bốc mùi, dù nắng nóng, khô hạn cỡ nào cũng không cạn.
Mỗi buổi sáng, buổi chiều, nơi này đông kịt người đến lấy nước, như một thói quen. Đó cũng là cái lý cho những lo lắng của Rương, của người làng, khi cách đó chỉ vài mét thôi, sừng sững một “đại bản doanh” tập kết máy móc, vật liệu của thủy điện. Một cây cầu cũng đã được dựng phía dưới khe Nước Dút. Thủy điện tích nước, khe nước này chắc chắn sẽ mất dấu dưới lòng hồ.
Nỗi lo nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân thôn 1 bắt đầu xuất hiện từ những cuộc họp giữa dân với chính quyền địa phương và với đại diện phía nhà máy thủy điện Nước Chè. Cuối tháng 3 vừa qua, những lo ngại lại dấy lên, hiện hữu cả trong văn bản báo cáo của UBND xã Phước Năng về những tồn tại, hạn chế liên quan đến công trình thủy điện.
Nhiều phương án đã được bàn tính. Xây một bể chứa sẽ không khả thi, vì khi thủy điện tích nước, không ai chắc khe nước từ giữa đá ấy còn chảy nước, đủ áp lực để lên bể chứa. Lấy chung nước từ giếng khoan của nhà máy, dân không đồng ý.
Sau cùng, bà con thống nhất phía nhà máy thủy điện sẽ khảo sát, tìm nơi khoan giếng, lắp đặt hệ thống lọc. Nhưng đó chỉ mới là thỏa thuận, vẫn chưa có giếng khoan nào được thi công. Thêm vào đó, nhiều người trong số bà con không thích nguồn nước đang chỉ tồn tại trong lời hứa kia. Nước Dút, theo truyền thống vẫn là lựa chọn duy nhất của họ, tới thời điểm hiện tại.
2. Báo cáo của xã Phước Năng về ảnh hưởng của thủy điện đến đời sống dân sinh, vỏn vẹn chưa đến 10 dòng trên một trang giấy A4 do ông Hồ Văn Khu - Chủ tịch UBND xã cung cấp.
Ba hộ chưa nhận đền bù. Thiệt hại về cầu treo dân sinh gây khó khăn cho việc đi lại của người dân khi thu hoạch mùa màng. Thủy điện hứa nhưng chưa thực hiện việc giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho dân. Đó là tất cả nội dung xã thể hiện trong báo cáo. Hình như, có một khoảng cách quá xa giữa những gì “ngắn gọn” trên mặt giấy A4 kia với bộn bề tâm tư thật sự của bà con trực tiếp chịu ảnh hưởng từ thủy điện.
Ông Hồ Văn Tú, người dân thôn 1 nói, khi làm nhà máy, phía thủy điện đo đạc, đề nghị đền bù, nhưng chỉ đền bù một nửa diện tích bị ảnh hưởng nên ông không đồng ý lên nhận tiền. Bức xúc về việc chi trả, đền bù, người dân cũng đã từng kéo nhau chặn đoàn xe thủy điện, xã phải xuống can thiệp mọi chuyện mới được kiểm soát.
“Nhiều chỗ phía thủy điện tự ý làm, dân phát hiện, kiến nghị, phía thủy điện mới hứa khắc phục chứ. Năm 2018, phía thủy điện mang máy móc lên khảo sát, phát mất một vạt chuối của dân, bị người dân phát hiện. Họ từng hứa khi làm bất cứ vấn đề gì phải xin phép chính quyền địa phương, khi chưa được bà con thống nhất sẽ không đem máy móc đi thi công, nhưng rồi lại làm hư hại hoa màu, khi bà con kiến nghị mới thỏa thuận lại này nọ” - trưởng thôn Hồ Văn Rương kể lại.
Chủ tịch UBND xã Phước Năng - ông Hồ Văn Khu nói, riêng cây cầu treo bắc qua sông Nước Chè, thủy điện đã hứa 3 năm rồi song vẫn chưa có phương án khắc phục. Bà con chỉ có thể sang vùng sản xuất vào mùa nắng, còn mùa mưa thì chịu chết.
“Về lâu dài, sản xuất của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Diện tích đất sản xuất của Phước Năng cũng có hạn, bà con bị ảnh hưởng, tương lai sẽ khó khăn. Xã cũng đau đầu về sinh kế của dân. Tính trông chờ ỷ lại của bà con ở đây, anh em chắc cũng biết rồi, cho bà con đi học nghề đâu ai chịu đi. Nếu có công ty gần gần ở đây họ mới đồng ý đi làm. Giờ chỉ có làm ruộng, làm keo thuê” - vị chủ tịch xã có vẻ vẫn loay hoay với lời giải cho những toan lo về sinh kế của đồng bào bản địa.
Tôi đi vào phía khu vực đập thủy điện, gặp vợ chồng Hồ Văn Im (thôn 1, xã Phước Mỹ, Phước Sơn) chở theo hai đứa con sau xe máy đang trở ra. Vài câu trò chuyện, Im nói, đất bị ảnh hưởng do thủy điện đã được đo đạc từ vài ba năm trước, đã có lần nghe thông báo về diện tích đất thu hồi nhưng tới thời điểm hiện tại, anh vẫn chưa nhận được đồng nào tiền đền bù. Chưa quá hai phút cho cuộc trò chuyện, ngoảnh lại, cánh cổng chỗ con đường dẫn vào đập đã khép, bấm khóa, dù cho lúc tôi gặp, Im vừa đi ra từ bên kia cổng.
3. Năm 2018, công trình thủy điện Nước Chè từng vấp phải phản ứng dữ dội của người dân vì chưa đền bù đã ồ ạt mở đường, san lấp mặt bằng, chính quyền huyện Phước Sơn phải ra văn bản yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động thi công các hạng mục dự án trong thời gian chờ giải quyết xong các hồ sơ thủ tục có liên quan đến công tác đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng.
Vừa rục rịch tái khởi động, tháng 8.2020, một vụ vi phạm pháp luật liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại công trình thủy điện Nước Chè bị phát hiện. 8 đối tượng bị khởi tố, trong đó có Giám đốc Công ty CP Thủy điện Nước Chè, bị bắt giữ để điều tra về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Thủy điện “đứng bánh”, công trình dở dang, nhiều người mòn mỏi chờ đền bù cùng với những nỗi lo khác chất chồng về sản xuất và đời sống.
Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thông tin, dù đã thi công đạt khoảng 70 - 85%, thủy điện hiện vẫn đang tạm dừng do vướng thủ tục về mặt kỹ thuật.
“Chủ đầu tư đang cùng các cơ quan chức năng của tỉnh trình phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng của lòng hồ và tuyến đường ống dẫn từ đập chính về nhà máy. Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, các cơ quan của huyện mới hoàn chỉnh phương án giải phóng mặt bằng của thủy điện để trình phê duyệt, chi trả tiền bồi thường cho nhân dân. Những vấn đề người dân đề cập đang được giải quyết dần dần. Huyện cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, tính phương án phù hợp về việc làm lại cầu treo cho dân cũng như các vấn đề khác” - ông Trung nói.
Miền núi, chắc hẳn chẳng còn xa lạ với những hệ lụy ngày một nặng nề hơn từ thủy điện. Những người từng hứa “nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ” khi vận động bà con di dời, liệu có lần nào quay trở lại những khu tái định cư để trả lời cho bức xúc của dân sau nhiều năm tháng lầm lũi chịu đựng bao cái khó, cái khổ? Quá nhiều thứ đã mất và sẽ mất, đánh đổi bằng những đồng tiền đền bù vụt đến rồi mất đi ở từng ngôi nhà. Quá nhiều ngôi làng tỷ phú, giờ lại tái nghèo sau vỏn vẹn vài năm chạm tới “cuộc sống mơ ước” từ tiền đền bù thủy điện.
Dưới chân thủy điện Nước Chè, là luật pháp bị một số kẻ cố tình dẫm chân, là những cánh rẫy chìm trong nước. Tiếp theo sẽ là khe Nước Dút, là cây cầu treo của người dân thôn 1 xã Phước Năng. Nhưng chắc chắn, không thể treo lửng lơ sinh mạng của dân, treo cuộc sống và sinh kế của biết bao đồng bào đang từng ngày rời xa cánh rẫy của mình. Có những thứ tuyệt đối không thể nằm dưới chân thủy điện.