Ấn Độ - đất nước "mọt sách"
Với việc người dân dành 10 giờ 42 phút trung bình mỗi tuần cho việc đọc sách in, sách trực tuyến và sách điện tử, Ấn Độ trở thành đất nước đọc sách nhiều nhất thế giới trong những năm gần đây.
Vào năm 1995, UNESCO quyết định chọn ngày 23.4 hằng năm là “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day), nhằm thúc đẩy việc đọc, xuất bản sách và bảo vệ quyền tác giả. Trong đó, việc nuôi dưỡng tình yêu sách được hầu hết quốc gia quan tâm, tổ chức các hoạt động, lễ hội sách.
Tại Ấn Độ, hội chợ sách quốc tế Kolkata là một trong những hội chợ sách lớn nhất trên thế giới, được tổ chức ở bang Tây Bengal hằng năm, thu hút hàng nghìn gian hàng sách từ hơn 100 quốc gia và hơn hai triệu người tham gia bao gồm độc giả, nhà xuất bản, nhà văn, nhà thơ...
Ấn Độ cũng là đất nước (hơn 1,3 tỷ dân) thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc. Các trường học tại Ấn Độ rất coi trọng việc khơi niềm đam mê đọc sách ở học sinh, như tổ chức các tuần lễ đọc sách bên cạnh lễ hội Văn học Jaipur hằng năm lớn nhất thế giới.
Khảo sát thực hiện vào năm 2020 của Báo cáo đọc sách ở trẻ em và gia đình cho thấy gần 92% trẻ em Ấn Độ từ 6 - 17 tuổi thường xuyên dành thời gian để đọc sách giải trí, ngoài sách phục vụ chương trình học ở trường.
Trong đó, trẻ em từ 6 - 8 tuổi thích đọc những cuốn sách khiến chúng cười, sách về động vật, sách cổ tích hay truyện tranh. Trẻ em từ 9 - 11 tuổi thích những cuốn sách kể một câu chuyện có thật, khám phá thế giới xung quanh.
Trẻ em từ 12 - 14 tuổi muốn những cuốn sách có các câu chuyện mạo hiểm một chút. Trẻ em từ 15 - 17 tuổi muốn có những cuốn sách có những nhân vật thông minh hoặc dũng cảm...
Báo cáo trên khẳng định, đọc sách không chỉ giúp trẻ không dành quá nhiều thời gian trước màn hình giải trí mà còn giúp cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và mở ra con đường mới cho trí tưởng tượng và tư duy phản biện, hình thành tính cách của trẻ.
Một nghiên cứu về người tiêu dùng toàn cầu trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng cho thấy, người Ấn Độ đọc nhiều sách hơn so với thời gian trước khi bị phong tỏa, trong đó bao gồm sách in, sách điện tử và sách nói.
Sách tiếng Anh được ưu tiên nhất, sau đó là sách tiếng Hindi. Trong thời gian này, mua sách trực tuyến, giao hàng tận nhà được ưu tiên hơn là ra ngoài hiệu sách do lo ngại lây nhiễm corona.
Tại thành phố Delhi, nơi được ví như “vũ trụ” sách của Ấn Độ với nhiều hiệu sách nổi tiếng có từ lâu đời, nhiều người vẫn đến đây, duy trì thói quen đọc sách. Một chủ tiệm sách chia sẻ, có những tiệm sách gắn với cả đời người.
Abhinav Bahmi chia sẻ với tờ The Citizen rằng anh ta thuộc thế hệ thứ tư trong gia đình bán sách tại Dehli. “Có những khách hàng rất lớn tuổi đã đưa con cháu của họ đến đây, nơi không chỉ cho những đứa trẻ thấy một phần tuổi thơ của những người lớn từng đam mê đọc sách cho đến bây giờ mà cũng là nguồn cảm hứng hướng dẫn và thúc đẩy văn hóa đọc ở trẻ”.
Còn Rajni Malhotra – chủ tiệm sách Bahrisons Booksellers nói, không chỉ những cuốn tiểu thuyết mà những cuốn sách về lịch sử, văn hóa, xã hội cũng luôn có sức hút to lớn đối với độc giả ở Delhi...