Kỷ niệm 165 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển
(QNO) - Sáng nay 23.4, tại mộ chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển - khu di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, huyện Đại Lộc tổ chức kỷ niệm 165 năm ngày sinh và 110 năm ngày mất người con ưu tú làng Ô Gia, xã Đại Cường.
Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ngày 14.5.1856 trong một gia đình không mấy khá giả song được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Ông được vua Tự Đức mời ra kinh đô Huế làm quan. Năm 1882, ông được giao giữ chức Quản hiệu sơn phòng vùng Hiên (Đông Giang hiện nay), Giằng (Nam Giang hiện nay) và Đại Lộc. Trước sự bất lực của triều đình phong kiến dần để đất nước rơi vào tay giặc Pháp, Đỗ Đăng Tuyển đã sớm chọn cho mình con đường dấn thân cứu dân, cứu nước.
Tháng 9.1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Đỗ Đăng Tuyển tham gia phong trào và được giao chức Đội biện quân lương, lo vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội Quảng Nam.
Theo đánh giá của Quốc sử quán triều Nguyễn, ông là một nhân vật trọng yếu của Nghĩa hội Quảng Nam cùng với các ông Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Huy, Trần Đỉnh, Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành, Nguyễn Hanh, Ông Ích Thiện…
Đỗ Đăng Tuyển cũng là người có công đặt quan hệ với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi Hiên (nay thuộc Đông Giang, Tây Giang) để làm thế dựa lưng cho lực lượng Cần Vương ở đồng bằng. Chức vụ ông phụ trách cuối cùng là Tán tương quân vụ.
Đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu liên kết hào kiệt bốn phương từ Bắc vào Nam để mưu cầu việc giải phóng dân tộc. Đến Quảng Nam, Phan Bội Châu tìm tới các sĩ phu đã từng tham gia nghĩa hội, trong đó có Đỗ Đăng Tuyển. Năm 1904, Hội Duy Tân được thành lập. Năm 1908, phong trào Duy Tân và Đông Du bị thực dân Pháp đàn áp, chúng bắt lưu đày và tàn sát nhiều nhà lãnh đạo, Đỗ Đăng Tuyển trốn thoát được.
Năm 1908, phong trào chống sưu thuế khởi phát từ Đại Lộc, nhanh chóng trở thành cuộc bạo động cách mạng lan rộng ra các phủ, huyện của Quảng Nam và miền Trung. Thực dân Pháp và bọn tay sai tiến hành khủng bố, truy bắt hàng loạt các sĩ phu.
Từ năm 1908 đến năm 1910, Đỗ Đăng Tuyển và Nam Xương Thái Phiên đảm nhận việc điều hành Duy Tân hội, yểm trợ tối đa cho hoạt động của Phan Bội Châu ở nước ngoài và các đồng chí ở phía Bắc kinh thành Huế. Đến năm 1910, chúng mới bắt được ông. Trên đường bị địch giải đi, ông đã nhiều lần tuẫn tiết nhưng không thành. Chúng giải ông ra Nghệ An đối chất với các đồng chí của ông; sau đó đưa ông về giam giữ tại nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Ở đây, ông đã tuyệt thực và hy sinh vào ngày 4.4 năm Tân Hợi (tức ngày 2.5.1911).
Trong suốt cuộc đời hoạt động, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Những phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX mà chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển tham gia đã đi vào sử sách, là những mốc son trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân phong kiến, giải phóng quê hương.