Tìm đường đi cho sách
(QNO) - Cùng với sự hẫng hụt, trống vắng của các kênh quảng bá, phát hành chuyên nghiệp; sự phân hóa và thiếu vắng người yêu sách với tư cách là người đọc thực thụ... đã khiến cho đường đi của sách văn học - nhất là văn học địa phương, trở nên nhọc nhằn hơn.
Ở Quảng Nam, đường đi của sách văn học cũng khá lòng vòng, lẩn quẩn. Tuy nhiên, những người cầm bút vẫn không vì thế mà tự mình dập bỏ đam mê, thay vào đó lại miệt mài tìm cách đưa sách đến với công chúng...
500 cuốn và "bốn triệu"
Với các tác giả văn học địa phương nói chung và Quảng Nam nói riêng, 500 cuốn và "bốn triệu" từ lâu đã trở thành "công thức" nằm lòng. Dù không mong muốn nhưng rồi ai cũng phải tuân theo "công thức" ấy.
Cụ thể, trước mỗi lần làm sách, mỗi người đều tự đặt hạn mức in cho mình, tối đa là 500 cuốn, và "bốn triệu". "Bốn triệu" không phải là chi phí in ấn, mà là một cách chơi chữ để mô tả đích đến cho tác phẩm của mình: Biếu trọn!
Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, những năm gần đây Quảng Nam liên tục "được mùa" sách, bình quân mỗi năm có trên dưới 10 đầu sách, cá biệt có năm có tới hơn 20 đầu sách được phát hành. Tuy nhiên, hầu hết chỉ được in với số lượng khiêm tốn - không quá 500 bản; thậm chí có người chỉ in vỏn vẹn 200 bản.
"Không có kênh phát hành và cũng không biết bán cho ai thì in số lượng nhiều để làm gì?" - nhà văn Lê Trâm nói.
Theo lời kể của một cây bút văn xuôi thuộc hàng "có tên tuổi" của Quảng Nam, trước đây mỗi lần in sách xong ông lại mang đi ký gửi ở các nhà sách, điểm bán văn phòng phẩm trong tỉnh nhờ bán giùm. Tuy nhiên, hầu hết những nơi ông tìm đến đều không mặn mà với việc bán sách văn học, thành ra cũng chẳng ký gửi được bao nhiêu.
Mấy năm gần đây, hệ thống các nhà sách dần biến mất nên việc bán sách lẻ theo kiểu đó cũng không thực hiện được nữa. Nhà văn này tiết lộ: "Bởi vậy, bây giờ hễ làm sách thì tôi chỉ dám in số lượng vừa đủ để biếu tặng bạn bè, người thân và giữ lại cho mình vài chục cuốn làm kỷ niệm".
Với số bản in thấp và phạm vi phát hành "luẩn quẩn" ấy, số sách đến được với công chúng (ngoài bạn bè văn chương, người thân của các tác giả) là cực ít. Kèm theo đó, việc thu hồi vốn để tái đầu tư cũng trở thành một chuyện viển vông.
Nỗ lực đưa sách đến người đọc
Dù hiện trạng phát hành sách "hẩm hiu", song hầu hết tác giả văn học Quảng Nam vẫn giữ được đam mê nghề nghiệp, kiên trì sáng tác và tiếp tục xuất bản sách khi tích lũy được cơ số tác phẩm cần thiết. Theo nhà văn Lê Trâm, đó là "nghiệp", hay đúng hơn, đó là đam mê khó có thể dứt bỏ.
Hẳn nhiên, để người cầm bút chung thủy với nghề, ngoài đam mê vốn có không thể không kể đến sự kích thích rất tích cực từ chính sách hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm của Thủ tướng Chính phủ.
"Tuy mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho từng người nhiều lúc không đủ để in sách, song đó vẫn là một động lực rất quan trọng để họ nhập cuộc, dấn thân" - nhà văn Lê Trâm nói.
Không những không từ bỏ đam mê in sách, nhiều tác giả văn học Quảng Nam còn có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc phát hành. Có người chọn cách bán sách qua mạng xã hội facebook, mà theo nhận định của một người từng can dự vào việc này, là "bán được không nhiều, rất lẻ tẻ, nhưng có người chịu mua là vui rồi".
Cũng có người chọn cách bán vào các trường học, thư viện địa phương - tất nhiên cũng không được nhiều và cũng chẳng dễ dàng gì. Tổ chức ra mắt, giới thiệu tác phẩm mới và thông qua đó, kết hợp phát hành, cũng là một cách được nhiều người lựa chọn. Ngoài ra, một số người chọn cách "chắc chắn" hơn: viết sách theo đơn đặt hàng với hợp đồng "bao tiêu" của các đơn vị, địa phương...
Đặc biệt hơn cả là nhà thơ Lê Đức Thịnh. Năm ngoái, anh trình làng tập biên khảo "Yesterday 60 năm The Beatles". Sách in xong, anh tình cờ phát hiện trên mạng xã hội facebook có một diễn đàn của những người yêu Beatles, vậy là anh kết nối, và 500 cuốn sách của anh đã bán hết veo.
Trong số những người mua cuốn sách này của anh có một người là chủ một phòng thu âm ở TP.Hồ Chí Minh. Người này mua hẳn 50 cuốn với lý do: Mua để dành khách hàng làm đĩa, thu âm như một món quà tinh thần ý nghĩa!