Nỗ lực thu hút đầu tư

TRỊNH DŨNG 14/04/2021 07:35

Đột phá hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư đã mở ra những “sinh lộ” phát triển, thu hút đầu tư ở Quảng Nam trong những năm qua.

Nỗ lực đầu tư hạ tầng và những sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư đã định vị hình ảnh Quảng Nam. Ảnh: T.D
Nỗ lực đầu tư hạ tầng và những sáng kiến cải thiện môi trường đầu tư đã định vị hình ảnh Quảng Nam. Ảnh: T.D

Thúc đẩy phát triển kinh tế

“Đại lộ” Võ Chí Công nối từ cung đường “APEC” qua 6 cây cầu vượt sông, như dải lụa khổng lồ vắt qua những đồi cát nóng miệt biển đến tận Chu Lai. Sinh lộ phía đông (và cách 5km có một con đường kết thông quốc lộ 1) đã đánh thức dải đất cát, trở thành những “miền đất quả vàng”, nuôi dưỡng giấc mơ kết nối, hình thành chuỗi đô thị ven biển kéo từ đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn) đến nam Quảng Nam cùng những dự án lớn ven biển. Những con đường Tam Thanh - Trà My, cầu Giao Thủy xuyên vùng tây thúc đẩy sự phát triển miền ngược kịp miền xuôi đang được định hình.

Không chỉ kết nối nam - bắc, đông - tây, mạng lưới giao thông đã cơ bản thông suốt từ quốc lộ 1 đến  tỉnh lộ, từ trung tâm tỉnh lỵ đến các huyện thị. Năm 2020, tất cả xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm và hầu hết xã có điện lưới… Sân bay Chu Lai đã được quy hoạch thành một trong những sân bay lớn nhất Việt Nam. Cảng Kỳ Hà quy hoạch cảng biển loại I, đang được nạo vét cho tàu 2 vạn tấn hành thủy. Các khu công nghiệp lấp đầy hơn 50%, quy hoạch chi tiết 51 cụm công nghiệp và 6/7 khu công nghiệp đã có các nhà máy xử lý nước thải...

Hệ thống thủy lợi, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh bão… đã và đang được đầu tư. Các di sản, di tích cũng đã được dồn sức để trùng tu, tôn tạo. Số trường chuẩn đạt đứng đầu khu vực miền Trung với tỷ lệ 66,5%. Hình thành hệ thống y tế hiện đại, thiết bị chuyên sâu ở các bệnh viện lớn, tăng quy mô giường bệnh lên 38 giường bệnh/vạn dân, vượt chỉ tiêu đề ra (31,5 giường bệnh/vạn dân) và hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tương thích đã được đầu tư.

Song hành đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, một chính quyền chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”. Những sáng kiến “một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp định kỳ, các quy hoạch (chung, phát triển ngành, lĩnh vực) đã được điều chỉnh phù hợp với thị trường, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp. Những cuộc khảo sát thực tế, giải quyết các tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ...

Những cải cách đã nhận được sự gật đầu, cho điểm từ doanh nghiệp. Các chỉ số về cải cách hành chính (PAR INDEX), hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) hay năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam hàng năm đã cải thiện đáng kể về thứ hạng. Nhất là chỉ số PCI, liên tiếp 5 năm liền, địa phương thăng hạng, tăng điểm, lọt vào tốp 10 tỉnh thành có thứ hạng cao nhất nước. Theo Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh, đây là một trong những yếu tố then chốt để Quảng Nam đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn (FDI và nội địa), nhất là các tập đoàn tư nhân nội địa có có uy tín, năng lực và kinh nghiệm kinh doanh.

Nếu không có 137.000 tỷ đồng tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 (gấp gần 1,8 lần so giai đoạn 2011 - 2015) để tạo hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư tốt, sẽ không thể nào có được con số hơn 6.700 doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 5 năm qua (nâng số doanh nghiệp hoạt động đến 31.12.2020 lên 7.748), thu hút 102 dự án FDI (715 triệu USD), cùng 380 dự án đầu tư nội địa được cấp phép. Doanh nghiệp tư nhân đã đóng góp hơn 96% thu ngân sách trên địa bàn, góp phần vào tăng thu ngân sách bình quân giai đoạn 2016 - 2021 hơn 9,5%, từ 15.036 tỷ đồng năm 2015 lên 23.682 tỷ đồng năm 2020.

Khoảng trống đầu tư, cải cách

Chưa có một đánh giá toàn diện, khách quan, song có thể khẳng định nếu không thực hiện 3 mũi đột phá thì cũng sẽ chẳng có sự đột phá nào về kinh tế địa phương. Tuy nhiên, chính quyền và cơ quan quản lý thừa nhận, tốc độ đầu tư hạ tầng không mạnh bởi thiếu nguồn lực. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) cho hay, cơ cấu kinh tế Quảng Nam vốn được công nghiệp dẫn dắt nên mọi dự án đầu tư đều hướng đến hình thành các cơ sở kinh tế, khu - cụm công nghiệp và kết nối giao thông cũng dành chính cho hoạt động này.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, kết cấu hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Giữa phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với cơ cấu lại nền kinh tế vẫn chưa thực sự gắn kết hiệu quả. Giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất, giao đất vẫn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; nợ xây dựng cơ bản, nợ tạm ứng còn lớn đã gây áp lực cho ngân sách. Các quy hoạch chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời, thiếu tầm nhìn dài hạn và chất lượng chưa cao. Có thể những tồn tại, hạn chế có yếu tố khách quan như chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhu cầu đầu tư lớn, nhưng chủ yếu vẫn là chuyện thiếu nguồn lực, triển khai chậm, thiếu quyết liệt, dự báo chưa sát tình hình thực tế; thiếu kiểm tra, đôn đốc; cơ chế phân quyền, ủy quyền chưa đủ mạnh, chưa kịp thời và quản lý đầu tư thiếu chặt chẽ.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong thu hút, xúc tiến đầu tư chưa đồng bộ. Chưa nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, miền núi. Thiếu nhiều dự án mới quy mô lớn, có thể làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Chiến lược ngành mũi nhọn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước đang chịu sức ép cạnh tranh với các khu kinh tế trong khu vực. Số lượng doanh nghiệp tăng, nhưng cũng không ít doanh nghiệp đã không chịu nổi sức ép cạnh tranh, phải rời bỏ thị trường. Số doanh nghiệp còn lại hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, khó huy động vốn, chậm đổi mới công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp, hụt hơi sản xuất, kinh doanh!

Trong góc nhìn của chuyên gia, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói, thiếu cảng biển, sân bay quốc tế… là những bất lợi, sẽ khó thu hút các dự án đầu tư kinh doanh lớn, chất lượng cao, nhân lực tốt. Quảng Nam có đủ cơ hội, khả năng để cải thiện hình ảnh địa phương. Nhưng muốn cải thiện được thì phải biết đích xác, nhận diện cho được điểm nghẽn để gỡ bỏ. Hiện có đến 67% doanh nghiệp tại Quảng Nam nói lãnh đạo tỉnh có chủ trương tốt nhưng không được thực hiện tại các sở, ngành, địa phương. Gần 27% cho rằng có những sáng kiến tốt không thực thi. Vậy ưu tiên cho cải cách không phải là chính sách nữa mà là chuyện thực thi ở các sở, ngành, địa phương.

TRỊNH DŨNG