Những dòng sông thơ

BẢO ANH 11/04/2021 06:13

Đã có rất nhiều dòng sông chảy vào thơ của các cây bút xứ Quảng không bằng những cái tên cụ thể, không cần phải xướng danh, nhưng vẫn thân thuộc và ăm ắp yêu thương. Và các con sông không phải là điều kiện mang tính quyết định để các nhà thơ làm thơ, mà để minh định rằng, các dòng sông xứ Quảng - nhất là Thu Bồn và Vu Gia, đã là những dòng sông thơ…

Các văn nghệ sĩ Quảng Nam trong một chuyến đi thực tế sáng tác trên sông Thu Bồn. Ảnh: B.A
Các văn nghệ sĩ Quảng Nam trong một chuyến đi thực tế sáng tác trên sông Thu Bồn. Ảnh: B.A

Da diết Thu Bồn

Xuất hiện nhiều nhất trong thơ Quảng Nam đương đại là con sông Thu Bồn. Dòng sông ấy chảy miên man từ thẳm sâu ký ức về giữa thực tại, mang chứa trong lòng biết bao trầm tích văn hóa đặc trưng, để khi nhắc đến sẽ lập tức hiện ra những chỉ dấu về mảnh đất “chưa mưa đà thấm”: “Thu Bồn mấy ngụm trót say/ Hồng Đào mấy nhấm, mấy nài loòng boong/ Chè thơm mấy hớp trót cùng/ Đi đâu cho khỏi đèo bòng, đa mang!?” (Đi đâu - Ngô Hà Phương).

Sông vừa trôi vừa sinh sôi, vừa hòa mình vào đất đai quê xứ, để mỗi người cũng được tan hòa vào quê hương, hóa thân cùng tình yêu và xứ sở: “Một bên sông - bên biển/ Một bên em - bên anh/ Giữa ngọt mặn trong xanh/ Ta hóa thành Cửa Đại” (Cửa Đại - Đinh Huyền).

Thu Bồn gần gũi, máu thịt đến mức, như với Huỳnh Minh Tâm, giấc mơ về quê nhà nhiều khi, trước hết và không là gì khác ngoài dòng sông ấy: “Thu Bồn réo gọi tôi cà tím dâu non/ Trầm tích câu thơ phù sa Giao Thủy” (Mơ giấc quê nhà).

Làm thơ về sông nhiều nhất có lẽ là Nguyễn Giúp. Trong tập thơ “Gió từ sông thổi lên” xuất bản năm 2017, hơn một nửa trong số 46 bài của cả tập có nhắc đến sông. Năm 2020, anh xuất bản tập thơ “Thiên nga bay đi”, sông lại chảy miên man trong nhiều bài khác. Những câu thơ vạm vỡ, riết róng mà mát lành, ngọt ngào gọi xanh như phù sa, như gió sông quê mẹ: “Vu Gia ngày nước lên nước xuống/ Cầu như thiếu nữ vắt ngang sông/ Khẽ níu đôi tà áo/ Chắn cơn gió vô tình lửng bay/ Khúc này sông cạn khúc kia sông sâu/ Sông cũng phong phanh như người nằm nghe tiếng chuông nhà thờ đổ” (Ville).

Sông trong thơ Nguyễn Giúp tưới đẫm hồn người và gọi nhớ cho những kẻ tha hương: “anh nhắc Thu Bồn chảy qua Câu Lâu/ tôi nhắc Vu Gia chảy qua Ái Nghĩa/ nâng ly ngửa cổ cay rần rật/ một dòng cố hương/ một ngụm tha phương...” (Đêm xa quê gặp người anh họ Quảng Nam).

Làm thơ về Thu Bồn nhiều không kém Nguyễn Giúp là Phạm Tấn Dũng - một người thơ của quê hương Gò Nổi. Sông chảy suốt những mùa ấu thơ, chảy ràn rạt, miên man trong rất nhiều bài thơ của thơ anh: “những đứa trẻ Thu Bồn/ chân dừng trên đá/ ngủ mê Hòn Kẽm đốt lửa tuổi thơ/ uống no tinh khí đất trời/ hát vang bài ca mưa nguồn chớp bể” (Nhật ký gió cuốn).

Quê hương, với anh, trong anh là mẹ, là thơ, là những thanh âm thân thuộc và da diết bên một bến sông Thu: “...tiếng dệt lụa ươm tơ làng Bảo An trăm năm còn vọng/ tiếng bìm bịp kêu chiều rã riêng bãi dâu Tư Phú/ tiếng vạc kêu đêm rớt lại đầu vòm một bến Vân Ly” (Quê hương).

Gửi tình yêu vào sông nước

Trong số hơn 40 cây bút thơ là hội viên Hội VHNT Quảng Nam, hầu như ai cũng có ít nhất một bài thơ viết về sông. Ngoài Thu Bồn, các dòng sông khác đã xuất hiện trong thơ với tư cách là một dấu hiệu để nhận biết bản lai diện mục của người thơ, hay chính xác hơn, sông như một khách thể vừa gần gũi vừa đáng tin cậy để các nhà thơ ký thác tình yêu của mình với đất đai quê xứ. Nhờ vậy mà có những con sông nhỏ xíu, như sông Gia ở Phước Trà, Hiệp Đức, đã đường hoàng trở thành dòng nhớ dòng thương: “Vẫn cứ thèm về lại với sông Gia/ Vỗ nước đêm trăng nhìn sương giăng đỉnh núi/ Về nhặt ốc thương sông gầy mà tội/ Nghe con tôm búng rách buổi xa người” (Về lại sông Gia - Thái Bảo Dương Đỳnh).

Hay như con sông Tiên chảy ngược giữa vùng quê bán sơn địa Tiên Phước, vượt qua bao nhấp nhô ghềnh thác để “hóa trường ca”, vừa da diết vừa mộng mơ trong thơ Nguyễn Hải Triều: “Chênh vênh đôi bờ sông Tiên nhàu nước/ Em lất phất mây thu/ Trắng nõn một góc trời” (Giấc mơ quê)...

Với con sông Trường Giang, hành trình men theo bờ biển cứ như là duyên nợ - của sông, của đất, của người: “Trường Giang mở đời ra gặp biển/ Biển  mù khơi không chịu để sông về” (Đôi cánh - Nguyễn Tấn Cả).

Và Trường Giang cũng trở thành dòng sông của tình yêu, của những xóm làng biết bồi đắp yêu thương, níu giữ và vẫy gọi những mùa xuân: “Sông nương xóm, xóm nương chiều gọi gió/ Những thầu đâu tim tím giục yêu đương/ Và khi trống Dinh Bà rưng rức gió/ Là đã vàng hoa cải dọc Trường Giang” (Xóm trăm năm - Nguyễn Tấn Sĩ).

Sông lặm vào máu thịt mỗi người, đến mức mặt người cũng mang gương mặt của sông: “rời làng/ những khuôn mặt hình sông/ chảy sóng du cư/ giấc mơ trái ngọt phù sa trải thơm nệm gấm/ đôi bờ gió hú/ khàn khạn giọng mùa neo trăng cuối bãi thao thức ghềnh vun bóng mây” (Chiếc bóng sau một cơn mưa - Đỗ Tấn Đạt).

Sông níu gọi những yêu thương quay về tạc xanh những mùa màng hoa trái: “sông xưa hương phù sa nguyên sơ/ đất thơm bàn tay trổ vàng mật sánh/ dôi bờ vẫn ngát mùa xanh/ nhớ ai lạc chiều nắng sót” (Mưa nguồn - Đinh Huyền).

Sông rong chơi, sông đắp bồi cuộc sống, sông làm nên phố xá thị thành: “Dòng sông về ngang qua phố/ Lượn một câu thơ rất xanh/ Gió kéo con thuyền chở núi/ Ra chơi hoa phố thị thành” (Phố sông - Nguyễn Chiến)... Và cứ thế, sông mải miết chảy cùng thơ, ngưng lắng và đắp bồi cho rộng dài tình yêu quê xứ...

BẢO ANH