Rực rỡ mùa sưa

QUỐC TUẤN 10/04/2021 06:33

Ngay cửa ngõ thành phố, đã nghe thoảng mùi sưa trong cánh gió, đã thấy rộn ràng sắc vàng ươm nơi góc trời. Tháng Tư về, Tam Kỳ chộn rộn cùng hoa sưa. 

Không gian Vườn Cừa (làng Hương Trà). Ảnh: Q.T
Không gian Vườn Cừa (làng Hương Trà). Ảnh: Q.T

Mùa này, nhắc về Tam Kỳ, người ta nghĩ ngay đến miền hoa sưa, dù là trong lòng phố thị hay đi xa về phía làng. Hiếm có thành phố nào mà loài hoa mộc mạc soi bóng bên bến sông quê lại dần lan tỏa và trở nên phổ biến trong việc định hình thương hiệu cho đô thị.

Từ những cánh hoa mỏng manh tản mác theo cơn gió trong trẻo mùa thanh minh một thuở, từ buổi đầu cây sưa trước ngõ, cây chè lá sau vườn, sưa bây giờ đã khoe sắc khắp mọi cung đường ở Tam Kỳ. Năm nay sưa nở muộn, vốn nó lại phai nhanh càng khiến những ai trót yêu loài hoa này càng thấp thỏm. Dẫu vậy, chẳng phải đợi đến độ sưa rủ nhau rộ vàng một góc trời thì ngôi làng nhỏ Hương Trà mới có nhiều điều để khiến du khách xiêu lòng.  

Sau một năm lỡ hẹn vì dịch bệnh Covid-19, dù không ở quy mô lễ hội nhưng Hương Trà thời điểm này cũng bài trí không gian nên thơ đón khách. Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin, do điều kiện khách quan nên thành phố không thể tổ chức lễ hội mùa hoa sưa năm 2021. Tuy nhiên địa phương cũng đã chuẩn bị nhiều hoạt động với nét mới kỳ vọng thúc đẩy hoạt động du lịch thành phố trong mùa hè này và dần đưa Hương Trà trở thành điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.

“Dự kiến từ ngày 12 - 15.4 hoa sưa trên toàn thành phố sẽ nở rộ và 30.4 sẽ nở đợt cuối. Sở VH-TT&DL có phương án tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ các địa phương tổ chức sự kiện kích cầu du lịch trong 6 tháng cuối năm 2021, hy vọng có thể xem xét hỗ trợ sự kiện này của Tam Kỳ. Bởi đây là một trong những chương trình kích cầu du lịch rất hiệu quả cho du lịch phía nam của tỉnh” - ông Nguyễn Hồng Lai nói.

Lắng nghe tương tác từ du khách sau lễ hội “Tam Kỳ - mùa hoa sưa” năm 2019, ban tổ chức đã chuẩn bị nhiều góc nhỏ nhắn nhưng không kém phần lung linh để phục vụ cho nhu cầu “check-in” của mọi người, nhất là các bạn trẻ khi ghé về Hương Trà. Đó là con đường nón lá kết hợp hệ thống điện chiếu sáng và âm thanh tạo hiệu ứng kéo dài từ Cây Đa đến sát đình làng Hương Trà, là cây cầu kiều nối từ bờ sông ra “Cồn Chùa” thơ mộng, là mấy chiếc xích đu đặt rải rác thêm thảm cỏ dại gợi lại ký ức ngày thơ… 

Ai về Vườn Cừa (làng Hương Trà Tây) mùa này, nhớ quá bước đến “cây ước nguyện” để lắng lòng sau những bận rộn của cuộc sống. Không như “bạn bè” vươn cao thẳng tắp tỏa bóng, “cụ” sưa cả trăm tuổi này lại nghiêng thân mình chừng như muốn lắng nghe tâm tình của bao người.

Những bậc cao niên trong làng chia sẻ rằng, từ lâu khi muốn tiếp thêm niềm tin để hoàn thành một ước mơ gì đó thì người trong làng Hương Trà đều ghé lại gốc sưa già này để thổ lộ ước nguyện. Và, ước nguyện từng thủ thỉ dưới tán sưa này của nhiều người trong số họ có lẽ đã thành hiện thực để bây giờ “cụ” sưa gắn với tên “cây ước nguyện”… Xa xa phía bờ sông, doi đất nhỏ “Cồn Chùa” khô khốc năm nào đã lung linh hơn trong nắng, ngập tràn sắc màu với đồi chong chóng. Đúng 550 cánh chong chóng quay tít trong gió tượng trưng cho quãng thời gian khai mở vùng đất này. 

Những ngày cuối tuần tháng 4, nơi đây còn hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Hà Đông xưa. Ánh lửa bập bùng của làng rèn Hồng Lư (phường Hòa Hương), tiếng kẽo kẹt thân thương từ khung chiếu Thạch Tân (xã Tam Thăng) hay nét vẽ tài hoa trên túi xách của người thợ may miền biển xã Tam Thanh… sẽ hội ngộ để chiêu đãi mọi người một “bữa tiệc” văn hóa đặc sắc. Khi bước chân rong ruổi đã mỏi gối, du khách hãy ngồi xuống một chút, nếm thử dư vị bánh đúc, bánh chập hay dĩa mít hông, tô mỳ Quảng thơm lừng từ các mẹ, các chị trong làng, để thấy giữa lòng phố thị Tam Kỳ vẫn còn nhiều góc quê dung dị đến thế…

QUỐC TUẤN