Vững vàng nơi biên giới

ALĂNG NGƯỚC 08/04/2021 05:57

Thực hiện Nghị quyết số 02, ngày 8.4.2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới”, trong 10 năm qua, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra được thực hiện một cách đồng bộ, có hiệu quả, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Chiến sĩ biên phòng và dân quân biên giới trên đường tuần tra trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chiến sĩ biên phòng và dân quân biên giới trên đường tuần tra trong những ngày dịch Covid-19 căng thẳng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Giữ vững chủ quyền

Xác định bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương khu vực biên giới tổ chức quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về công tác quân sự biên phòng, đảm bảo an ninh trật tự, đối ngoại trong tình hình mới. Trong đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam với vai trò đơn vị chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, kịp thời phối hợp giải quyết tốt một số vấn đề cấp bách.

Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP Quảng Nam cho hay, bên cạnh triển khai tốt công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đơn vị thường xuyên tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Thông qua công tác tuyên truyền, vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng được phát huy tối đa, giúp biên giới luôn an toàn.

“Rất nhiều mô hình ý nghĩa được phối hợp triển khai và duy trì tạo nên mối liên kết bền chặt giữa quân dân biên giới. Trong đó, phải kể đến các mô hình tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; tổ tự quản an ninh trật tự; tổ đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo…, giúp phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới luôn được đẩy mạnh và tăng cường, góp phần xây dựng vùng biên vững chắc, an toàn” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn chia sẻ.

Bên cạnh nâng tầm quan hệ đối nội, công tác đối ngoại biên phòng được xem như sợi dây nối dài, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác phát triển với nước bạn Lào trên hành trình hội nhập quốc tế.

Những năm qua, việc duy trì tổ chức hội nghị cấp cao thường niên giữa hai tỉnh Quảng Nam - Sê Kông, nhiều hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được hai bên đẩy mạnh, tạo điều kiện trong đầu tư, triển khai các dự án giúp đỡ lẫn nhau. Nổi bật là hoạt động kết nghĩa giữa cụm thôn - bản hai bên biên giới với rất nhiều chương trình hỗ trợ được triển khai giúp đồng bào ổn định cuộc sống, cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội và góp sức cho nhiệm vụ bảo vệ đường biên an toàn, nhất là trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.

Cộng đồng góp sức

Không chỉ đơn thuần thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, lực lượng BĐBP Quảng Nam còn gắn trách nhiệm công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, bảo vệ tài nguyên môi trường... Đây được xem là “nhiệm vụ kép” vừa giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ an toàn, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nơi “phên giậu” Tổ quốc.

Tình quân dân biên giới. Ảnh: Đ.N
Tình quân dân biên giới. Ảnh: Đ.N

Nhấn mạnh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo là nhiệm vụ của toàn dân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, thời gian qua, Nghị quyết số 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được triển khai sâu rộng trong mọi tầng lớp, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Điều đó, thể hiện rất rõ ở nhiều việc làm ý nghĩa của cộng đồng, cùng góp sức cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo. Thông qua các cuộc vận động, phong trào hướng về biên giới, biển đảo, các cấp, ngành và tổ chức chính trị xã hội đồng hành với BĐBP giúp người dân biên giới nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10.10.2017 của Bộ Chính trị vể “Phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại”, tại 14 xã biên giới của tỉnh, bằng rất nhiều nguồn lực lồng ghép, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới gắn với củng cố quốc phòng - an ninh. Đây được xem là nhiệm vụ tiên quyết để xây dựng các công trình phòng thủ bảo vệ biên giới một cách an toàn, vững chắc” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.

Đến nay, bên cạnh duy trì phối hợp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ xã, thôn và các già làng, trưởng thôn, người có uy tín..., BĐBP Quảng Nam còn ký kết nhiều chương trình phối hợp với các địa phương, đơn vị xây dựng 162 nhà “Đại đoàn kết”; 49 nhà “Nghĩa tình Trường Sơn”; 10 nhà “Ước mơ tuổi vàng”; 7 nhà “Nghĩa tình nhân đạo”, cùng hàng chục ngôi nhà tình nghĩa khác.

Đồng thời phối hợp thực hiện 10 công trình dân sinh; 5 công trình nước sạch; 78 công trình vệ sinh và hỗ trợ sinh kế 35 con bò, 102 con dê, 254 con heo giống; hướng dẫn 547 hộ dân chuyển đổi giống cây trồng, con vật nuôi… Ngoài ra, hoàn thành tăng dày, tôn tạo 60 mốc và 7 cọc dấu; tổ chức hàng nghìn đợt tuần tra đường biên, cột mốc bảo vệ chủ quyền…

ALĂNG NGƯỚC