Rục rịch tiếp cận chuyển đổi số
Gần đây, chuyển đổi số trong ngành du lịch là một khái niệm đã được nhắc đến nhiều; tuy nhiên để cụ thể hóa nó trong thời gian ngắn với nguồn lực hiện có của du lịch địa phương là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Hạn chế
Với sự hạn chế về hạ tầng và nguồn nhân lực, có thể nói du lịch Quảng Nam mới chỉ tiếp cận khái niệm du lịch thông minh ở mức độ sơ khai kể cả Hội An, điểm đến đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, phát triển du lịch thông minh là khát khao lâu nay của Hội An để giảm áp lực hạ tầng di sản bao gồm bán vé điện tử, tổ chức tham quan mùa lũ bằng 3D, 4D, thuyết minh bằng phim 4D ở điểm tập kết ven đô trước khi vào phố cổ… tuy nhiên phải nhìn nhận là mọi thứ vẫn đang ở dạng nghiên cứu.
Bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH Hội An thông tin, đơn vị cũng đã tính toán phương án chuyển đổi số trong một số lĩnh vực như chuyển đổi hệ thống phát thanh sang truyền thông IP và cuối năm nay sẽ tham mưu UBND thành phố làm theo đề án của Sở TT-TT.
“Về việc số hóa vé tham quan, vừa rồi chúng tôi có tiếp cận một công nghệ để thực hiện vấn đề này nhưng từ khi lên ý tưởng đến lúc chuẩn bị phê duyệt thì công nghệ để triển khai đã lạc hậu nên đành phải dừng lại để tìm kiếm giải pháp mới, công nghệ mới để làm hiệu quả hơn. Chúng tôi đang phối hợp với một công ty nghiên cứu bán vé qua mạng và đã lên đề án để trình cấp trên, nếu suôn sẻ dự kiến sẽ làm thử nghiệm từ ngày 1.6.2021” - bà Trương Thị Ngọc Cẩm nói. Được biết, do đặc thù phố cổ Hội An là di tích “sống” với nhiều cửa ngõ nên hiện Trung tâm VH-TT&TT-TT Hội An phải đặt đến 11 quầy vé kiểm soát lưu lượng khách ra vào.
Tại một số điểm đến khác như Khu đền tháp Mỹ Sơn, hiện cũng chỉ mới tiến hành đẩy mạnh truyền thông và thử nghiệm ứng dụng trải nghiệm 360 độ trực tuyến để kích thích sự tò mò của du khách. Còn bà Đặng Thị Tuyết Lan - Phó phòng VH-TT TP.Tam Kỳ thừa nhận, hạ tầng thông tin, dữ liệu hiện tại của địa phương gần như chưa đủ năng lực để tiếp cận việc chuyển đổi số phục vụ phát triển du lịch.
Từng bước tiếp cận
Sở VH-TT&DL vẫn đang trong quá trình dự thảo kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch Quảng Nam đến năm 2025. Theo đó, từ giai đoạn 2021 - 2023, ngành du lịch sẽ cố gắng hoàn thành việc số hóa toàn bộ dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú và các khu điểm du lịch, các di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2025 sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống phần mềm du lịch thông minh phù hợp với các công nghệ mới, xây dựng nền tảng hệ thống du lịch thực tế ảo trên bản đồ số và công nghệ VR360 đối với các khu, điểm du lịch, di tích danh thắng do Nhà nước quản lý, xây dựng hệ thống tham quan thực tại ảo.
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Sở đang xem xét hiện trạng dữ liệu tại một số điểm du lịch và đánh giá bộ giá trị dữ liệu này đang ở mức nào. Từ đó liên thông dữ liệu về di tích, khách sạn, nhà hàng… để tích hợp thành một chuỗi dữ liệu để ứng dụng vào hoạt động du lịch thông minh một cách hiệu quả”.
Ông Lê Ngọc Tường cũng nhìn nhận, việc tiếp cận du lịch thông minh đối với Quảng Nam là vấn đề rất khó nhưng bắt buộc phải làm để không bị tụt hậu so với các địa phương và với chính xu thế ngành du lịch.
Gợi mở một số giải pháp để bước đầu tiếp cận với du lịch thông minh, ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Quảng Nam cho rằng, việc xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh là rất cần thiết. Ngoài ra, các đơn vị chức năng cần hỗ trợ, khuyến khích các local guide (cộng đồng viết đánh giá, chia sẻ về điểm đến), doanh nghiệp du lịch cập nhật địa điểm trên Google Map, úp ảnh 360 độ lên Google Street View.
Còn theo ông Trịnh Công Duy - Trung tâm Phát triển phần mềm (Đại học Đà Nẵng), để phát huy hiệu quả du lịch thông minh thì cần có hệ thống quản lý thông tin/dữ liệu. Từ các thông tin này làm cơ sở thực hiện việc vận hành du lịch, quảng bá du lịch, cổng kết nối giữa chính quyền - doanh nghiệp - du khách. Ngoài ra, do phạm vi lan tỏa của chuyển đổi số trong du lịch rất rộng nên cần sự tích hợp liên thông giữa du lịch và các ngành khác.