Phấn đấu mỗi năm giảm ít nhất 5 - 10% số người chết do tai nạn đường bộ
UBND tỉnh vừa phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Quảng Nam.
Mục tiêu chung là mỗi năm phải giảm ít nhất 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả; cải cách, đổi mới phương pháp quản lý về ATGT, áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về trật tự ATGT. Tăng cường đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, hình thành văn hóa giao thông an toàn; có hệ thống cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân bị TNGT.
Mục tiêu cụ thể là: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và tổ chức giao thông; quản lý chặt phương tiện; đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; quan tâm công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT. Trong giai đoạn 2030 - 2045, toàn tỉnh phấn đấu kéo giảm TNGT hàng năm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, hướng tới cùng cả nước giảm tối đa số người chết do TNGT gây ra; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT ngang tầm với các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài các giải pháp về đổi mới chính sách, thể chế phù hợp, đầu tư cho giao thông..., UBND tỉnh giao Sở GTVT triển khai đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW theo quy định của pháp luật. Sở Y tế chủ trì, nghiên cứu nâng cao năng lực các cơ sở y tế hiện có, đảm bảo khả năng cấp cứu TNGT; ứng trực tại các địa điểm phục vụ có bán kính trung bình khoảng 50km; xây dựng mạng lưới thông tin hiện đại, có khả năng tiếp nhận nạn nhân trong thời gian không quá 30 phút kể từ khi nhận thông tin yêu cầu về cấp cứu.