Đại Bình chật vật với khô hạn
Mùa khô hạn hằng năm, người dân thôn Đại Bình (xã Quế Trung, Nông Sơn) lại tất tả lo nguồn nước sinh hoạt, chật vật xoay xở chống hạn cho cây trồng, mùa vụ. Đáng nói, công trình cấp nước sinh hoạt cho thôn nghiệm thu hơn 2 năm nay không thể sử dụng, trong khi công trình cấp nước mới đang thi công gặp khó do vướng mắc về đất đai.
Theo người dân Đại Bình, từ tháng 3 trở đi thôn gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng. Nhiều vườn cây ăn quả mất mùa do thiếu nước nghiêm trọng.
Ông Phạm Trường Mỹ - người dân thôn Đại Bình cho biết, nhu cầu về nước sinh hoạt, nước tưới ở Đại Bình rất bức thiết vào mùa hạn. Riêng nguồn nước tưới cho vườn cây ăn quả thì vô cùng khó khăn. Trong thôn cũng có công trình cấp nước do huyện đầu tư trị giá gần 3,5 tỷ đồng, dẫn nước từ hố Đá Bàn cách làng vài cây số về. Do quá trình thi công, xây dựng công trình chưa có sự khảo sát kỹ lưỡng về điều kiện địa hình, nguồn nước nên dù đã xây dựng xong và nghiệm thu nhưng hơn 2 năm qua không thể vận hành.
“Đại Bình có 345 hộ dân, hầu hết gặp khó về nguồn nước sinh hoạt lẫn nước tưới vào mùa khô hạn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị tại các đợt tiếp xúc cử tri và mong Nhà nước quan tâm đầu tư, cải tạo công trình để tránh lãng phí” - ông Mỹ nói.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho biết, công trình cấp nước sinh hoạt tại Đại Bình do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Nông Sơn làm chủ đầu tư. Những năm gần đây, người dân trồng keo ở khu vực đầu nguồn hố Đá Bàn ngày càng nhiều khiến nguồn nước bị khô hạn. Để cải thiện nguồn nước sinh hoạt và nước tưới tại Đại Bình, huyện Nông Sơn giao UBND xã Quế Trung đầu tư 2 giếng bơm công suất lớn. Xã sẽ chỉ đạo triển khai thi công trong tháng 4 này và việc khởi công vào mùa khô hạn sẽ đánh giá thực tế được nguồn nước và chất lượng nguồn nước.
Cũng theo ông Lanh, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT huyện làm chủ đầu tư công trình trạm bơm thủy lợi Đại Bình với kinh phí 9 tỷ đồng. Công trình là niềm mơ ước của người dân Đại Bình, tuy nhiên việc thi công đang gặp khó khăn do phải đi qua một số diện tích đất màu, đất vườn của người dân.
“Chúng tôi đã nỗ lực vận động nhiều hộ dân Đại Bình đồng thuận hiến ít đất hoa màu, vườn tược. Có hơn 80% số hộ bị ảnh hưởng đồng thuận, song một vài hộ vẫn gây khó, cản trở, yêu cầu bồi thường làm chậm tiến độ thi công” - ông Lanh chia sẻ.