Bill Gates ủng hộ chặn ánh sáng mặt trời chiếu lên bề mặt trái đất

AN TRƯƠNG 01/04/2021 11:04

(QNO) - The Science Time đưa tin, Bill Gates đang quan tâm đến việc làm mờ ánh sáng từ mặt trời hoặc phản xạ ánh sáng mặt trời ra khỏi bề mặt trái đất.

Bill Gates đang quan tâm đến việc làm mờ ánh sáng từ mặt trời hoặc phản xạ ánh sáng mặt trời ra khỏi bề mặt trái đất. Ảnh: London News Time
Bill Gates đang quan tâm đến việc làm mờ ánh sáng từ mặt trời hoặc phản xạ ánh sáng mặt trời ra khỏi bề mặt trái đất. Ảnh: London News Time

Kỹ thuật khí hậu (geoengineering) là thuật ngữ chung để chỉ các công nghệ sử dụng thành tựu vật lý, sinh học hay hóa học để tạo ra điều kiện thời tiết thuận lợi nhất cho con người trên quy mô lớn nhất có thể. Các công nghệ này nhằm can thiệp vào hệ thống khí hậu bằng những thay đổi quy mô lớn và có tính toán sự cân bằng năng lượng của trái đất nhằm giảm nhiệt độ và chống lại biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Tỷ phú giàu thứ tư thế giới - Bill Gates cùng với các nhà tài trợ tư nhân khác đang ủng hộ Chương trình nghiên cứu Kỹ thuật khí hậu năng lượng mặt trời trị giá 3 triệu USD do các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard phát triển.

Chương trình này trong tương lai sẽ sớm khởi động một nghiên cứu về hiệu quả của việc giảm thiểu ánh sáng mặt trời để ngăn chặn ảnh hưởng của nó đến trái đất. Theo Ủy ban Các nhà khoa học quan tâm, kỹ thuật khí hậu năng lượng mặt trời có thể làm mát trái đất bằng cách phản chiếu ánh sáng mặt trời vào không gian.

Theo đó, các nhà khoa học dự định rải hạt vật chất aerosol vào bầu khí quyển để phản chiếu ánh sáng ngược lại vào vũ trụ. Nói một cách đơn giản, aerosol là các đám mây vật chất như khí hoặc tro núi lửa có tính chất cản và phân tán ánh sáng. Ngoài ra, thu giữ CO2, kỹ thuật khí hậu lấy khí thải CO2 và cô lập chúng bên dưới bề mặt trái đất, cũng đang được cân nhắc áp dụng.

“Chúng tôi có thể dùng khinh khí cầu để đưa dụng cụ phun lên bầu khí quyển. Khi đã vào vị trí, thiết bị sẽ rải một lượng calcium carbonate nhỏ để làm xáo trộn không khí. Sau đó, một khí cầu khác sẽ kiểm tra tính hiệu quả của thí nghiệm” - nhóm nghiên cứu chia sẻ. Thử nghiệm đầu tiên có thể được thực hiện vào tháng 6.

Kỹ thuật khí hậu năng lượng mặt trời gần đây đã thu hút được sự chú ý khi Viện Hàn lâm khoa học, kỹ thuật và y học quốc gia Mỹ (NASEM) phát hành một báo cáo mới khuyến khích chính phủ chi ít nhất 100 triệu USD cho kỹ thuật khí hậu năng lượng mặt trời.

Áp dụng kỹ thuật này vào thực tế cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và không chắc chắn. Việc cản đi một phần lớn nguồn sáng đến trái đất có thể gây ra thảm họa “băng giá”. Hạt vật chất aerosol như chlorofluorocarbon (CFC), có khả năng làm ảnh hưởng xấu đến tầng ozone. Đây là một trong các tác nhân gây nên tình trạng biến đổi khí hậu.

Vì mang ý nghĩa toàn cầu, việc xem xét sử dụng công nghệ này để ứng phó với khí hậu đòi hỏi sự quản trị quốc tế hiệu quả và cần được duy trì trong một thời gian rất dài. Mặc dù việc thực hiện kỹ thuật này nhằm mục tiêu làm chậm biến đổi khí hậu, nhưng nó có thể không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức có thể gây ra hậu quả thảm khốc.

Các nghiên cứu về rủi ro liên quan đến kỹ thuật khí hậu năng lượng mặt trời hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng cách sử dụng mô hình dựa trên máy tính và quan sát tự nhiên. Những đề xuất mở rộng nghiên cứu về công nghệ như sáng kiến ​​tiến hành các thí nghiệm khí quyển quy mô nhỏ ở Mỹ và rạn san hô Great Barrier (Úc) đang được cân nhắc.

AN TRƯƠNG