Hội An show, những điều đọng lại
Thật khó để gói gọn mấy trăm năm huy hoàng của thương cảng Hội An vào một chương trình chỉ kéo dài một tiếng rưỡi. Dẫu vậy giữa muôn trùng khó khăn của ngành du lịch, “Hội An show - tri ân” với tiếng lòng từ những câu chuyện cũ cũng đã phần nào chuyển tải được thông điệp về nỗ lực gượng dậy của vùng đất này.
Tri ân
Không phân biệt khán giả hay diễn viên, diễn vẫn diễn, phố vẫn phố như mọi đêm thường nhật. Dù công phu và cầu kỳ nhưng nghệ thuật sắp đặt của chương trình và hơi thở đời sống của phố cổ không lạc nhịp nhờ gạch nối từ không gian trình diễn thân quen, gương mặt thân quen đúng như mong muốn của tổng đạo diễn - nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
“Khác chăng là chỉ cần bước vào show diễn này là đã có Hội An, đã thấy Hội An, đã thấm Hội An, đã gặp Hội An suốt lịch sử hàng trăm năm, như ta đang bước đi cùng thời gian…” - tổng đạo diễn Nguyễn Quang Vinh nói.
Nhiều người Hội An, nhất là người lớn tuổi gắn đời mình với di sản sẽ xao lòng khi nghe thanh âm từ tiếng guốc gỗ vọng lại, từ tiếng rao “ai xí mà không” lúc xa lúc gần, từ thưa tới nhặt. Rồi cả tiếng gà gáy, tiếng trẻ con khóc, tiếng chuông chùa hòa tạp tạo thành một Hội An rất thực, Hội An trong veo của những ngày cũ.
Ở góc độ một sự kiện văn hóa, kích cầu du lịch, chương trình “Hội An show - tri ân” đã khá thành công khi tạo ra một khung cảnh Hội An sôi động, tiếp nối cho dấu hiệu du lịch nội địa phục hồi tương đối khởi sắc thời gian qua. Đến phút chót, do dự tính số lượng du khách đổ về quá lớn, ban tổ chức còn phải bố trí màn hình lớn bên bờ sông Hoài để du khách thưởng thức chương trình nhằm đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, không đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật để kích cầu du lịch, qua chương trình thực cảnh này người xem còn cảm nhận sâu sắc tình cảm trân quý mà mọi người dành cho Hội An, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.
Chờ phiên bản cắt gọt hoàn hảo
Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Hội An show - tri ân” diễn ra vào đêm 28.3 tại TP.Hội An. Chương trình do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với UBND TP.Hội An, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Công ty Truyền thông Cát Trắng thực hiện. Tác giả kịch bản và tổng đạo diễn dàn dựng là nhà văn Nguyễn Quang Vinh.
Chín mươi phút của chương trình đâu đó vẫn khiến người xem hụt hẫng. Bắt đầu bằng thương thuyền, có vẻ đội thuyền buôn đã không tạo ra được điểm nhấn lớn như kỳ vọng bởi chính nhờ môi trường sông nước thuận lợi cộng với nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác mà mấy trăm năm liền thương cảng Hội An tái sinh và phát triển rực rỡ. Nhưng qua chương trình, những thương thuyền mới dừng ở mức phụ họa cho các tiết mục nghệ thuật hơn là trở thành một chủ thể riêng chuyển tải đến công chúng dấu ấn của mình trong lịch sử phồn thịnh của thương cảng này.
Thêm nữa, dường như việc cố gắng cắt gọt, lồng ghép tất cả những câu chuyện đặc sắc của vùng đất này vào một show diễn ngắn đã khiến nhiều chi tiết bị gượng ép, tưởng đủ mà thiếu, nhất là với những người từng gắn bó với Hội An.
Bởi, cuộc giao thoa của vùng đất này với phương Tây mấy trăm năm về trước len lỏi ở mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nên chỉ một “vũ khúc Tây Ban Nha” thiên về giải trí mà thiếu đi dấu ấn đậm nét với Hội An của các quốc gia Bồ Đào Nha, Hà Lan… là khá đơn điệu, là không đủ để chuyển tải câu chuyện quá khứ cũng như khao khát chứng thực của người xem.
Ngược lại, một số phân khúc, trích đoạn ngốn khá nhiều thời gian nhưng lại sa vào các chi tiết thừa chủ yếu là độc thoại và lột tả tình cảm đôi lứa. Ngoài ra, dấu ấn của ngôn ngữ địa phương quá nhạt nhòa xuyên suốt show diễn…
Ông Nguyễn Văn Lanh chia sẻ, thực tế trong quá trình chuẩn bị, nhà quản lý địa phương đã mạnh dạn góp ý chỉnh sửa nhiều chi tiết để sát nhất với bối cảnh quá khứ của Hội An, tất nhiên là khó làm hài lòng được tất cả mọi người và lãnh đạo địa phương sẵn sàng lắng nghe các ý kiến để cải thiện một cách tốt nhất vào các lần diễn tiếp theo. Ngoài ra, để cân đối nguồn lực khi thành phố tiếp nhận, các show diễn sau này sẽ cắt gọt khá nhiều, tối giản thời gian và chỉ để lại những chi tiết “đắt” nhất phản ánh được hơi thở của Hội An từ quá khứ đến hiện đại.