Nỗ lực phục hồi tăng trưởng
Những tháng đầu năm 2021, TP.Đà Nẵng liên tục đón dự án đầu tư trong nước và dự án đầu tư nước ngoài (FDI), nâng tổng vốn đăng ký vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng đạt hơn 536 triệu USD. Cùng với đó, các công trường cũng rầm rộ triển khai “Năm phục hồi tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” của thành phố và tầm nhìn 2030 - 2045.
Tăng tốc thu hút đầu tư
Ngay sau Tết Tân Sửu 2021, UBND TP.Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án và chủ trương nghiên cứu đầu tư cho 1 dự án vào khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. Tổng vốn đăng ký đầu tư các dự án hơn 280 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI đến từ Mỹ và Nhật Bản.
Đến nay, Đà Nẵng đã thu hút được 892 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 3,862 tỷ USD. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp mới đăng ký thành lập cho hơn 480 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tuy giảm số lượng so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn điều lệ đăng ký xấp xỉ 4.800 tỷ đồng, tăng đến 50%.
Ông Lê Minh Phúc - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn & biệt thự Nam Phát (100% vốn nước ngoài), chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Ngũ Hành Sơn vừa được điều chỉnh tổng vốn từ 380 tỷ đồng lên 2.113 tỷ đồng, chia sẻ: “UBND TP.Đà Nẵng và các sở ban ngành thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho công ty tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để Nam Phát và VinaCapital tiếp tục triển khai dự án với quy mô 1 khách sạn 18 tầng và 85 căn biệt thự mới... Chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2022”.
Bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.Đà Nẵng cho biết, từ năm 2019 đến nay thành phố liên tiếp chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư”. Trong 3 năm qua, đã có nhiều ý tưởng và cách làm hay, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thành phố kịp thời sửa đổi, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư, đơn giản hóa từ thủ tục hành chính đến hoạt động đầu tư, quy hoạch, đất đai và môi trường. Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng được cải thiện mạnh mẽ, các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index) luôn nằm trong tốp đầu cả nước.
Thúc đẩy các dự án trọng điểm
Từ kết quả tăng trưởng âm năm 2020, năm 2021 Đà Nẵng chọn chủ đề “Năm phục hồi tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, nỗ lực thu hút đầu tư với các nhóm giải pháp quyết liệt và đồng bộ, như: hoàn thiện cơ chế chính sách, nhanh chóng ban hành quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp quy hoạch chung, tiếp tục hoàn thiện quy chế đấu giá quyền sử dụng đất. Đà Nẵng cũng sớm chuẩn bị quỹ đất gắn với hạ tầng đồng bộ trong các khu, cụm công nghiệp. Công khai danh mục quỹ đất và dự án kêu gọi đầu tư đến từ các tổ chức, cá nhân.
Đối với các dự án sử dụng đất không hiệu quả hoặc không đầu tư, thành phố sẽ sớm thu hồi theo quy định, giải quyết hài hòa quyền lợi của nhà đầu tư. Đặc biệt, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch - đầu tư tiếp nhận hồ sơ lấy ý kiến thẩm tra, thẩm định theo quy định, hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung các thành phần còn thiếu trong quá trình thẩm tra, thẩm định dự án. Chính quyền thành phố cũng chỉ đạo rút ngắn thời gian thẩm tra, thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày còn 5 - 7 ngày làm việc; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, công khai, minh bạch.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng vừa ký quyết định điều chỉnh danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào TP.Đà Nẵng giai đoạn 2020 - 2025. Theo đó, có 57 dự án trọng điểm được thành phố tập trung thu hút đầu tư, như: hệ thống tàu điện ngầm, xe điện bánh sắt Tramway; dự án tàu điện kết nối Đà Nẵng - Hội An; dự án khơi luồng sông Cổ Cò…
Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã và đang tích cực huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh hàng loạt dự án đầu tư công, dự án đầu tư trong nước và FDI như: dự án mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng); dự án mở rộng Công viên APEC (hơn 759 tỷ đồng); khu công viên phần mềm số 2 - giai đoạn 1 (hơn 700 tỷ đồng); dự án Khu du lịch biển DAP (5.000 tỷ đồng); dự án phát triển bền vững TP.Đà Nẵng (8.241 tỷ đồng); dự án Khu công nghệ cao (hơn 8.841 tỷ đồng)… theo đúng định hướng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung phát triển TP.Đà Nẵng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đà Nẵng phấn đấu trở thành đô thị loại 1, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2030 - 2045.