Dấu ấn thể thao xứ Quảng
Không phải là trung tâm đào tạo, huấn luyện có quy mô lớn, song dấu ấn thể thao xứ Quảng trên bản đồ cả nước ngày càng được thể hiện rõ hơn bằng những thành tích xuất sắc tại đấu trường quốc gia lẫn quốc tế.
Đi lên từ gian khó
Cuối tuần qua, Sở VH-TT&DL tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống ngành TD-TT Việt Nam, gặp mặt các thế hệ lãnh đạo ngành TD-TT và tuyên dương, khen thưởng huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) tiêu biểu, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thể thao tỉnh Quảng Nam.
Có thể nói, để xác lập vị thế như ngày hôm nay, thể thao Quảng Nam đã nỗ lực rất nhiều. Với thể thao xứ Quảng, đây mới là năm thứ 24 kể từ khi tỉnh tái lập. Còn nhớ năm 1997 khi mới tái lập tỉnh, thể thao thành tích cao của địa phương gần như là con số không, từ đội ngũ HLV, VĐV đến cơ sở vật chất, trang thiết bị. Phải đến 2 năm sau, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam (nay là Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT Quảng Nam) mới được thành lập để làm công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao.
Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT Quảng Nam hiện đào tạo tập trung 9 bộ môn, với quy mô đào tạo hơn 200 VĐV, trong đó có 6 môn thể thao Olympic là điền kinh, bắn súng, đua thuyền, bóng chuyền, Taekwondo, Karatedo. Cạnh đó, môn bóng đá được tỉnh quan tâm và mô hình quản lý đội bóng chuyển sang chuyên nghiệp với thành tích là chức vô địch V-League 2017.
Bên cạnh chiến lược đầu tư phát triển đúng hướng, vai trò của đội ngũ HLV rất quan trọng. Quảng Nam hiện có đội ngũ HLV làm công tác phát hiện, đào tạo, huấn luyện khá tốt và tâm huyết với nghề như Nguyễn Ngọc Đình (Taekwondo), Trần Như Hải, Võ Đức Quang (Karatedo), Cao Khẩn (Võ cổ truyền), Lý Phước Toàn (Vovinam).
Cạnh đó, một số HLV trẻ trưởng thành từ VĐV xuất sắc như Bùi Thị Nhung, Huỳnh Thanh Chinh (Karatedo), Nguyễn Văn Thanh (Taekwondo), Bùi Thị Triều (Karatedo). Nhờ đó, với quy mô đào tạo hơi khiêm tốn song mỗi năm mang về hơn 100 huy chương quốc gia lẫn quốc tế. Đặc biệt, trong 24 năm qua kỳ SEA Games nào Quảng Nam cũng đóng góp cho đất nước những gương mặt mang về huy chương vàng (HCV) là một thành công.
Những gương mặt “vàng”
Nói đến dấu ấn của thể thao Quảng Nam kể từ ngày tái lập tỉnh, không thể không nhắc tới VĐV - những người đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu trên sân tập để mang về vinh quang. Trước đây, tấm huy chương giải trẻ quốc gia đã là niềm mơ ước cháy bỏng. Nhưng giờ đây, từ ngôi vị vô địch quốc gia đến cánh cửa bước ra đấu trường lớn như SEA Games, thậm chí Asiad, thế giới, thể thao Quảng Nam có không ít VĐV làm được.
Lịch sử hơn hai thập niên của thể thao xứ Quảng vinh danh nhiều gương mặt “vàng ròng” mà trước hết phải kể đến đó là Đặng Thị Thúy (môn Pencak Silat). Thúy là người đầu tiên làm rạng danh màu áo Quảng Nam khi giành HCV SEA Games 1999 và đỉnh cao là tấm HCV thế giới một năm sau đó. Có thể nói, Đặng Thị Thúy là người đặt nền móng cho thể thao Quảng Nam thời điểm còn rất nhiều khó khăn.
Tiếp bước đàn chị, Lê Thị Hồng Ngoan còn tỏa sáng hơn với 2 HCV thế giới năm 2002 và 2004, 1 HCV SEA Games, 1 HCV châu Á (cùng năm 2003) và 5 lần vô địch quốc gia. Sau khi Thúy, Ngoan chia tay sự nghiệp, xứ Quảng xuất hiện “bông hồng vàng” mang tên Bùi Thị Triều (Karatedo).
Cô gái người Núi Thành liên tiếp giành 2 HCV SEA Games vào các năm 2007, 2009 và 3 HCV quốc gia. Một VĐV có đẳng cấp thế giới nữa là Nguyễn Hồng Ninh. Lên ngôi vô địch quốc gia từ năm 2009 và lập kỷ lục 6 lần đăng quang, thế nhưng phải đến khi Võ cổ truyền được tổ chức giải vô địch thế giới vào năm 2018 thì tên tuổi chàng trai người Quảng Nam mới tỏa sáng rực rỡ sau tấm HCV.
Asiad là giấc mơ với tất cả VĐV không chỉ của Việt Nam, bởi xét về đẳng cấp Asiad chỉ đứng sau Olympic. Để đến được với đấu trường này, VĐV các nước phải cạnh tranh gắt gao để có suất tham dự chứ chưa nói đến giành tấm huy chương. Nói vậy để thấy việc Phạm Thị Thu Hiền (Taekwondo) trở thành VĐV đầu tiên của thể thao Quảng Nam góp mặt tại Asiad năm 2014 (Incheon - Hàn Quốc) và mang về tấm HCĐ được xem là kỳ tích (Asiad 2014 Việt Nam chỉ giành được 1 HCV và riêng đội tuyển Taekwondo chỉ có 2 HCĐ). Cạnh đó, tài năng của cô gái người Tam Kỳ còn thể hiện ở thành tích đáng nể với 2 HCV SEA Games (2013, 2019) và 1 HCV Đông Nam Á.
Đi lên từ gian khó, song với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, những người làm công tác thể thao đã có kế hoạch phát triển hợp lý. Từ đó, giúp cho thể thao xứ Quảng từng bước vươn lên khẳng định mình.