Thế giới phòng chống lao trong bối cảnh đại dịch Covid-19

QUỐC HƯNG 24/03/2021 16:22

(QNO) - Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới cam kết chấm dứt đại dịch lao vào năm 2030. Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 có thể đẩy lùi các nỗ lực đạt được của thế giới trong cuộc chiến phòng chống bệnh lao trước đó.

Tại cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở Peru. Ảnh: undark
Chẩn đoán và điều trị bệnh lao ở Peru. Ảnh: undark

Thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi ngày gần 4.000 người chết vì bệnh lao, gần 28.000 người mắc bệnh này có thể phòng ngừa và chữa khỏi.

Những nỗ lực toàn cầu phòng chống bệnh đã cứu được khoảng 63 triệu người kể từ năm 2000. WHO chỉ ra rằng một số quốc gia đã thực hiện các bước để tránh tác động của vi rút corona mới đối với việc cung cấp các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh.

Các chính sách thành công bao gồm việc mở rộng việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong chẩn đoán, cung cấp tư vấn và hỗ trợ từ xa, cung cấp dịch vụ chăm sóc và dự phòng bệnh lao tại nhà, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, đẩy mạnh bao phủ y tế toàn dân, đảm bảo tiếp cận các dịch vụ thiết yếu đối với bệnh lao và tất cả bệnh khác...

Bất chấp những đổi mới trên, nhiều người trên thế giới mắc căn bệnh lao có thể phòng ngừa được vẫn không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc mà họ cần. Hơn nữa, đại dịch Covid-19 bùng phát hơn một năm qua khiến việc phát hiện và điều trị bệnh lao giảm hơn 20% so với năm 2019. Do đó WHO lo ngại rằng hơn nửa triệu người có thể đã chết vì bệnh lao vào năm 2020, đơn giản vì họ không thể chẩn đoán được bệnh hay được tiếp cận với các dịch vụ y tế thiết yếu.

Mặc dù đây không phải là vấn đề mới, tình hình trở nên trầm trọng hơn khi nhiều quốc gia tập trung ngăn chặn khẩn cấp vi rút corona mới. Theo các chuyên gia y tế, cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn Covid-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài.

Do đó, WHO kêu gọi các chính phủ cần thực hành các biện pháp phòng chống bệnh lao như biện pháp phòng chống dịch Covid-19 để có thể chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như mong đợi.

Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24.3) năm 2021 với chủ đề “Đồng hồ đã điểm”, WHO kêu gọi toàn thế giới tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua thực hiện các ưu tiên, đồng thời phù hợp với nỗ lực tăng cường ứng phó với đại dịch Covid-19 và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình Lao toàn cầu của WHO nói: “Trong nhiều thế kỷ, người mắc bệnh lao là một trong những người bị thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Covid-19 đã làm gia tăng sự chênh lệch về điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ ở cả trong và giữa các quốc gia. Giờ đây, chúng ta phải nỗ lực mới để làm việc cùng nhau, đảm bảo rằng các chương trình chống lao đủ mạnh để cung cấp trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào trong tương lai”.

Ngày Thế giới phòng chống lao đánh dấu vào năm 1882 khi nhà khoa học người Đức Robert Koch công bố việc phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao. Bệnh này vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Có một loại vắc xin duy nhất chống lại bệnh lao, nhưng hiệu quả ở người lớn còn hạn chế.

QUỐC HƯNG