Sợi khói bay lên
Ông Clâu Blao trở cán dao, gõ nhẹ lên lớp vỏ cây sần sùi theo chiều từ trên xuống. Lớp vỏ phồng lên, tưa sợi, nhưng kỳ lạ thay, vẫn ôm lấy thân cây, hóa thân thành một thứ “vải” đặc biệt với người Cơ Tu. Từng nhát gõ chính xác, đều đặn và đầy tỉ mỉ, vang lên như một thứ huyền minh kỳ lạ của rừng…
Hơn hai năm rồi, tôi mới trở lại Tr’Hy (Tây Giang). Vậy mà ông Clâu Blao nhận ra ngay, như cái cách ông hằn khắc trong đầu mình từng lối đi giữa rậm rịt rừng để rồi mở ra con đường “từ trên trời” cho đồng bào khu 7, hay những tượng, những hình mà ông miệt mài đẽo gọt, cất giữ suốt nhiều năm trời. Một người ở rừng kỳ lạ, vì mỗi lần gặp, tôi đều được nghe, được thấy muôn ngàn điều mới, điều khác. Vẫn là ông đấy, mà sao luôn lạ, luôn đầy hấp lực, như một chỉ dấu để lần tìm vào kho báu với vạn điều kỳ thú của kho tàng văn hóa Cơ Tu…
Cội rễ của rừng
Lần này, tôi tìm gặp ông để hỏi chuyện về chiếc áo vỏ cây. Người bạn đường Pơloong Plênh - cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang trước đó đã kịp liên lạc. Ông chờ. Chiếc áo thổ cẩm để lộ đôi tay săn chắc của ông già. Ông đi về phía rừng, thoăn thoắt. Như thể con dốc đứng kia là chiếc cầu thang vào nhà sàn, dây rừng là tay vịn, ông đi về rừng mà như trở về nhà. “Làm áo bằng lá cây thì nhiều loại lắm. Cây thân dây thì đhin, đhul, đhi zi lang, đzi abâm, hay các loại dây leo như zi lang, cơ lơm. Dây đhi zi lang hay lắm, nó là một vị thuốc để trị bệnh về lá lách, cũng có thể hứng lấy nước uống khi đi rừng. Vỏ cây này khá dai, nhưng do là thân dây leo nên bóc ra thường chỉ được một mảnh nhỏ, phải ghép nhiều tấm lại với nhau mới thành áo. Còn cây thân gỗ thì có ta coỏng, a mớt, đha my, ta đuh, chơr za giang. Thân gỗ thì lớp vỏ to hơn, nhưng lấy rất cực. Phải “nướng” cây, rồi dùng một cái vồ đập quanh, để vỏ cây bong thành sợi nhưng không rách, mới tách được khỏi thân. Ngâm dưới suối, rửa qua mấy bận, rồi phơi khô mới thành đồ mặc được” - ông kể, tay vẫn thoăn thoắt trở con dao gõ đều quanh thân cây đhi zi lang.
Tôi nhìn cách ông ứng xử với vỏ cây, ở đó toát lên thái độ sống với rừng, với những gì thiêng liêng mà tinh túy đã bao đời nay nuôi sống, chở che, ân cần bảo bọc cho người Cơ Tu phía đại ngàn. Có gì cao xa hơn rừng, ở đây, nơi chúng tôi đang đi theo ông, nghe ông kể về triền miên cơ cực của ngày cũ. Những bước tiến hóa nhọc nhằn từ lá cây che mình đến bộ quần áo bằng vỏ cây, đến hành trình dài của con đường muối để đổi từng sợi chỉ, học nghề đan thổ cẩm, câu chuyện đổi lấy một con trâu 9 tay chỉ để lấy 12 hạt mã não mang về làng. Những ký ức đan xen của chiến tranh, hòa bình, cả con đường từ khu 7 về xã Lăng mà ông đã tìm ra thuở trước. Ký ức vụn, tuôn theo kiểu kể chuyện của ông già, không điểm bắt đầu và không hồi kết.
Tại sao ông còn lặn lội đi tìm, làm áo vỏ cây, trong khi rất lâu rồi chẳng ai dùng nó nữa, tôi hỏi. Thay cho câu trả lời, ông kể chuyện. Ông kể về cơ cực, đói, nghèo, kể về đời sống của người Cơ Tu của ông mấy chục năm trước nữa. “Là gốc, là cội của đồng bào đó. Con trẻ phải biết cha ông chúng đã từng sống như thế, với rừng. Không có rừng, làm sao sống được, làm sao có làng. Lớp trẻ nên biết, và phải biết” - ông già chợt đứng dậy, đi về phía cột nhà. Ông với lấy cây đàn abel, rồi hát. Giọng ông rung lên, cây đàn hình như chỉ có những nốt cao, như reo, réo rắt lời tự tình. Một bài hát cũ, ông kể, là tâm sự của một người du kích trong rừng, nhớ vợ con ở nhà, nhưng phải cầm súng đi đánh giặc, đi làm cách mạng.
Rồi đột nhiên, ông đưa cây đàn về phía tôi: “Ama (bố) tặng con. Cầm lấy”. Phút đó, tôi đã sững lại. Ông chỉ vào thân cây đàn, hai hình vẽ, một cây đa, và một bông hoa bảy lá. “Cây đa là để nhớ tới làng. Còn bông hoa bảy lá, là bình an, may mắn, tốt đẹp. Ama tặng con. Lớp trẻ, còn có được mấy đứa còn hỏi ama về áo vỏ cây, về hát lý, về nhạc cụ nữa đâu, có mấy người còn biết được câu lý. Cầm lấy, làm kỷ niệm” - ông nói thêm một lần nữa. Tôi quay sang Plênh, nhờ Plênh nói với già, rằng cây đàn nên ở lại với ngôi nhà của ông, để một lần nào đó lại vang lên cho người khách đến nhà như chúng tôi bây giờ, để nó sống với cuộc đời của nó. Ông Blao cười, cái răng vàng ánh lên trong căn nhà sàn, hơn cả một mệnh lệnh. Tôi đỡ lấy cây đàn, vì biết, mình không thể chối từ…
Không tắt, bếp lửa làng!
Tôi vẫn luôn tin ông là một bậc hiền minh của rừng. Tin từ cách ông miệt mài đẽo gọt những tượng nhà mồ, những con chim triing, dáng người đứng, ngồi với muôn ngàn khuôn mặt và biểu hiện. Tin từ câu hát lý, nói lý vọng lên một thái độ khiêm cung, hạ xuống thật thấp với rừng, nhỏ bé và từ tốn. Cả cái dáng ông sừng sững với cây tù và trong lễ hội tạ ơn mẹ rừng, dẫn đầu đoàn người đánh trống chiêng, múa tâng tung da dá. Nhưng hình như trong sâu thẳm ông già, vẫn luôn là một nỗi cô đơn. Những người muôn năm cũ, cuối cùng. Năm nào đó ông kể về chuyện ngay cả mấy đứa con mình không biết đẽo tượng, không giỏi hát lý, chơi đàn, rồi cuộc xô dạt của văn minh đưa lũ trẻ rời làng. Ông đã từng muốn chúng đi thật xa, để học, để biết nhiều hơn, để trở về với làng này. Nhưng những gì chúng muốn biết, muốn nhớ lại không ở đây, không còn trong cái đầu, trong bàn tay tài hoa của ông nữa. Như một điều không thuộc về lựa chọn, không có quyền lựa chọn.
Tôi theo dõi cách ông tước một sợi dây rừng luồn qua cây kim bạc để bện lại chiếc áo vỏ cây, như nhìn thấy một cuộc đối thoại không ngừng nghỉ của ông Blao với truyền thống của đồng bào. Cuộc đối thoại đầy đau đớn, khi ông già lặng lẽ đi về phía tuổi trời, gần như đơn độc. Lớp trẻ, trong cuộc xê dịch của thời cuộc, nghe người già nói lý, hát lý, vì chúng phải nghe, đôi khi là ép buộc. Có vẹn nguyên cảm xúc được không khi chúng chỉ dự phần như một thứ nghĩa vụ? Mơ hồ một nỗi sợ, như khi lễ cưới truyền thống kết thúc, liệu có chấm dứt những kết nối của lớp trẻ với ông cha, với nguồn cội, để chúng khoác lên mình bộ váy cưới xúng xính, loa nhạc xập xình như dưới xuôi?
Tiếng gõ của ông già lên dây đhi zi lang lạc lõng giữa cuộc đổ bộ của “văn minh”, về rừng. Ngay cả những người thân cận nhất không hiểu, hoặc phần nào đó thờ ơ với câu chuyện tìm về văn hóa của ông. Chiếc áo vỏ cây liệu có mục ruỗng theo tuổi ông, theo những chứng nhân cuối cùng của làng? Tôi nhìn sang Plênh. Người bạn trẻ mà tôi biết, đã nhiều năm nay lặng lẽ tìm hiểu, ghi chép, lưu giữ những hình ảnh, những đoạn phim về từng mảng màu văn hóa của dân tộc mình. Một người trẻ nhiều ước vọng, đau đáu với nguồn cội, như một ngọn đuốc bừng lên trong im vắng. Plênh liệu có cô đơn như ông không, trong cuộc rượt đuổi thời cuộc, níu lấy nguồn cội và văn hóa?
Một sợi khói bay lên từ bếp lửa nhà sàn. Vụt qua trong đầu tôi, là cuộc đi đơn độc của ông với điêu khắc, nhạc cụ, hát lý, cả cái áo vỏ cây đang trước mặt như thanh củi trong bếp lửa kia, cứ cháy đỏ, rồi thành khói, lên trời. Plênh này, hãy là cây củi mới, vùi vào ông, vào những say đắm cháy đỏ của ông, để luôn ấm bếp lửa này, bên dưới nhà sàn. Bếp lửa làng, chẳng thể nào để tắt…