Ký ức đắp đê ngăn mặn

HÀ QUANG 24/03/2021 10:23

Ngay sau ngày giải phóng quê hương, để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, chính quyền lâm thời xã Tam Tiến (Núi Thành) đề xuất ý tưởng táo bạo đắp đê ngăn mặn ven sông Trường Giang nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Công trình nhanh chóng được xây dựng, là dấu ấn đáng nhớ về những ngày đầu xây dựng quê hương. 

Bến sông tiếp giáp giữa xã Tam Tiến (Núi Thành) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), nơi bắt đầu công trình đê ngăn mặn sông Trường Giang.
Bến sông tiếp giáp giữa xã Tam Tiến (Núi Thành) và Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), nơi bắt đầu công trình đê ngăn mặn sông Trường Giang.

Huy động toàn dân đắp đê

Ông Đoàn Văn Thái (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) có vẻ nhàn nhã với việc đồng áng khi ruộng lúa đông xuân chỉ chờ ngày thu hoạch. Xách về một xô nước rộng những con cá nhỏ vừa tát trong ao trước nhà, ông hồ hởi: “Làm lúa chút ít cho có việc, mà việc bây giờ cũng có máy móc thay rồi, đang nuôi mấy con cá trê cho vui...”.

Nhắc lại khó khăn của việc đồng áng sau ngày giải phóng quê hương, nhất là với ruộng lúa sát sông Trường Giang để gợi lại ký ức về cảnh cơm đùm cơm nắm xây dựng công trình đê ngăn mặn, ông Thái sôi nổi hẳn: “Đó là công trình của sự đồng lòng, của sức người hăng say với mong muốn nhanh chóng thoát khỏi cảnh chạy gạo từng bữa vì mùa màng thất bát do nhiễm mặn”.

Công trình đê ngăn mặn dọc sông Trường Giang qua xã Tam Tiến được triển khai xây dựng tháng 2.1976, lúc đó ông Thái kiêm nhiệm rất nhiều chức vụ ở địa phương: Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an, Bí thư Đoàn xã, Chính trị viên Xã đội.

Ông kể, sau ngày giải phóng, Tam Tiến là địa phương khó khăn trăm bề, toàn xã có 14 nghìn dân, “tơi tả” vì kinh tế èo uột, đường sá cách trở, lương thực chỉ trông chờ vào những chân ruộng sát sông nhưng thường xuyên bị nhiễm mặn. Chính quyền lâm thời lúc đó bàn tính phải nhanh chóng cải thiện điều kiện sản xuất cho người dân, nhất là sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực.

Ông Thái kể: “Khi tôi đưa ra ý tưởng phải tổ chức đắp đê ngăn mặn thì các anh lãnh đạo không tin nổi, vì lấy gì ăn mà đi đắp đê. Tôi mạnh dạn nói mình có lực lượng hùng hậu trong tay, cái ăn thì từ từ tính, huy động toàn dân, dốc sức đánh nhanh thắng nhanh bằng các biện pháp cụ thể. Sau đó thì chủ trương đắp đê đã được thông qua, giao lực lượng đoàn thanh niên làm nòng cốt”.

Không khí đắp đê ngăn mặn được ông Thái mô tả “dòng người ào ào đổ ra sông mỗi khi thủy triều xuống”. Chính quyền huy động toàn dân, chia ra từng đoạn qua mỗi thôn để người dân khu vực cùng thực hiện. Lực lượng đắp đê có cả những thanh niên từ Tam Xuân qua, làm để “trả công”; phương tiện chủ yếu là cuốc, xẻng, quang gánh; người dân tự cơm đùm cơm nắm, tranh thủ theo con nước bất kể ngày đêm; mỗi chi đoàn còn phân công người hát luân phiên để khích lệ tinh thần... Công trình đê ngăn mặn dài 7km, chân đế 10m, cao 2m, mặt đê 1m, chỉ làm 4 tháng là xong, nhiều nơi xung yếu còn được gia cố đá hộc, một số nơi có hồ nước phía trong để nhận phèn, rửa mặn...

Lở bồi dâu bể

Ông Thái cho biết, công trình đê ngăn mặn nhanh chóng phát huy tác dụng, những ruộng lúa sát sông phía trong đê nhanh chóng hồi sinh. Người dân canh tác lúa, khoai lang, sắn... luân phiên. Đê ngăn mặn còn giúp đón được nguồn nước ngọn nhỉ ra từ dãy nổng cát, tạo thành những ao nước ngọt phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ cho nhân dân trong những năm đầu giải phóng quê hương...

Một đoạn đê còn lại nằm xen lẫn trong nhiều bờ đập của các ao tôm. Ảnh: H.QUANG
Một đoạn đê còn lại nằm xen lẫn trong nhiều bờ đập của các ao tôm. Ảnh: H.QUANG

Đê ngăn mặn sông Trường Giang qua xã Tam Tiến giờ đây chỉ còn là “vệt mờ” trong ma trận những bờ đê được đắp theo nhiều vuông tôm dọc sông. Một số nơi đã bị xói lở, thay đổi hiện trạng; người dân còn lấy thân đê làm bờ đập, cơi nới, tạo thêm những đoạn đê vươn ra sông...

Ông Trương Văn Thanh (quê xã Tam Phú, Tam Kỳ) thuê ao tôm ven sông ở thôn Tân Lộc Ngọc (Tam Tiến) sản xuất từ vài năm nay. Ao tôm của ông Thanh nằm sát đoạn đê tiếp giáp với xã Tam Thanh (Tam Kỳ). Thật khó hình dung đây từng là “lá chắn” để bảo vệ ruộng đồng bởi đoạn đê này không to hơn bờ ao là mấy. Ông Thanh cho biết, mùa mưa không thể nuôi tôm vì nước lũ tràn tự do vào ao, đê ngăn mặn không còn tác dụng nữa do quá thấp.

Ông Nguyễn Giúp - Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến cho biết, công trình đê ngăn mặn một thời giúp người dân địa phương sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhưng nay thì chỉ còn vài đoạn có thể ngăn được nước sông. Tình trạng nuôi tôm ồ ạt cách đây hơn chục năm khiến công trình này không còn hữu dụng nữa. Người dân đào ruộng lúa, xây dựng ao nuôi cả trong và ngoài bờ đê, thậm chí lấn đê để mở rộng ao nuôi nên hiện trạng giờ đây thay đổi nhiều.

Đã có một thời địa phương xây dựng quy chế bảo vệ công trình đê này, nhưng cũng không thể ngăn nổi tình trạng lấn chiếm bờ đê, đào ao, ngăn sông chạy theo con tôm nước lợ. Nghề nuôi tôm nước lợ ven sông đang bước vào giai đoạn thấp thỏm, bấp bênh và đã để lại dấu vết nham nhở trên những đoạn đê theo dọc dài con nước Trường Giang...

HÀ QUANG