Tầm quan trọng của đại dương đối với khí hậu, thời tiết

NAM VIỆT 23/03/2021 16:31

(QNO) - Với chủ đề “Đại dương - thời tiết và khí hậu của chúng ta”, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh việc kết nối đại dương, thời tiết và khí hậu trong hệ thống trái đất - một nhân tố chính tác động đến nền kinh tế toàn cầu.

Mực nước biển dâng cao hơn do nhiệt độ đại dương nóng hơn. Ảnh: Gettyimages
Mực nước biển dâng cao hơn do đại dương ấm hơn. Ảnh: Gettyimages

Trong thông điệp gửi đi nhân ngày Khí tượng thế giới năm nay, Tổng Thư ký WMO - GS. Petteri Taalas cho biết, sự thay đổi của khí hậu trái đất đang làm đại dương ấm lên, ảnh hưởng sâu sắc đến thời tiết của chúng ta. Để hiểu rõ thời tiết và khí hậu, không có cách nào khác, chúng ta phải hiểu đại dương của chúng ta.

Thực tế, đại dương bao phủ 70% bề mặt trái đất, là nhân tố chính của sự thay đổi về thời tiết và khí hậu trên thế giới và là nơi thực hiện hơn 90% thương mại thế giới, duy trì 40% sự sống trong phạm vi 100km bờ biển. 

Tuy nhiên, báo cáo tình trạng khí hậu toàn cầu hằng năm của WMO cho thấy, năm 2020 là một trong 3 năm ấm nhất được ghi nhận, mặc dù hiện tượng La Nina đang hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên mát mẻ hơn. Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, quá trình axit hóa đại dương tiếp tục diễn ra. Các tảng băng trên biển đang tan kỷ lục và tốc độ nước biển dâng ngày càng nhanh.

Nhà lãnh đạo WMO nêu rõ, trong năm qua, thế giới chứng kiến ​​những đợt hạn hán kéo dài, thời tiết hanh khô, nóng bức, mùa nắng cháy trên khắp thế giới vì thế kéo dài hơn. Ví dụ những đợt cháy rừng tàn phá kinh hoàng ở Australia có liên quan đến nhiệt độ đại dương. 

Hay nhiệt độ nước biển ấm hơn gây nên mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và các cơn lốc nhiệt đới dữ dội bất thường ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Thiệt hại do triều cường ở những khu vực này chứng tỏ sức mạnh của đại dương và tác động tàn phá của nó đối với các cộng đồng ven biển. Trong khi các cơn bão đại dương ngoại nhiệt đới tiếp tục tàn phá các con tàu, gây thêm thiệt hại về người và ảnh hưởng đến giao thông hàng hóa trên biển.

Vào năm 2020, lượng băng tối thiểu hàng năm tại vùng biển Bắc Cực ở mức thấp nhất được ghi nhận. Các cộng đồng ở vùng cực đã phải hứng chịu lũ lụt bất thường ven biển, như hiểm họa do băng tan.

Với hơn 40% dân số toàn cầu sống cách bờ biển 100km, nhu cầu cấp thiết là phải giữ cho cộng đồng an toàn trước tác động của các hiểm họa ven biển. Do đó, khả năng phục hồi vùng ven biển và củng cố các hệ thống cảnh báo sớm cũng hết sức cần thiết. Việc ngăn chặn biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris là nhiệm vụ cấp thiết của các chính phủ. 

Trong khi đó, WMO có vai trò chính trong việc hỗ trợ nghiên cứu, quan trắc, dự báo và cung cấp dịch vụ thông tin về đại dương, cũng như khí quyển, địa quyển và băng quyển.

WMO cho biết, 10 năm tới sẽ là thời điểm quan trọng để giải quyết các cách thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cũng vậy, 2020 là năm rất quan trọng đối với WMO để đánh dấu sự khởi đầu của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (2021 - 2030).

NAM VIỆT