Cà phê Son - nơi nhớ về nguồn cội

HUÂN BÙI 23/03/2021 15:46

(QNO) - Cuộc sống càng hiện đại, ký ức “những ngày xưa thân ái” dần lùi xa, mang theo biết bao điều bình dị. Bắt trúng tâm lý ai cũng muốn “xin một vé về tuổi thơ”, một quán cà phê ở phường An Phú, TP.Tam Kỳ ra đời, tái hiện không gian hoài cổ với nhiều kỷ vật gợi nhớ một vùng nông thôn Việt thời đã qua.

Không gian trong lành, thoáng đãng của quán cà phê Son. Ảnh: HUÂN BÙI
Không gian trong lành, thoáng đãng của quán Cà phê Son. Ảnh: HUÂN BÙI

Nằm trên đường Duy Tân nối dài, cách trung tâm TP.Tam Kỳ chừng 2km về hướng biển Tam Thanh, Cà phê Son hiện lên trong không gian độc đáo, được bài trí từ những thứ tưởng chừng không còn trong đời sống từ lâu, nhất là vật dụng nhà nông. Các vật dụng này được ông Ngô Đúng - chủ quán sưu tầm, bố trí nên một quán cà phê mang “hương vị” ký ức xưa.

Khách đến thưởng thức cà phê sẽ thích thú khi tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc bàn được biến tấu từ chiếc bàn máy may một thời bao cấp khó khăn. Những món đồ tưởng chừng đã biến mất theo thời gian như chiếc ti vi đời đầu, máy cát sét, điện thoại, đèn dầu, ghế gỗ, chuông gió, máy tuốt lúa, bánh xe... như cùng nằm bên nhau, kể về một câu chuyện thời ông bà ta”.

Trong diện tích hơn 700m2, chủ nhân của quán dành khoảng sân bên ngoài rộng rãi, thoáng đãng, bài trí những chum, hũ, ghè, cối đá… Ngoài ra, khách còn được hòa mình vào khung cảnh quen thuộc của gốc chuối, hồ sen, ao cá, cây cảnh hợp mắt, tất cả hòa quyện trong tiếng chim hót ríu rít, cây xanh mát rượi. Trong không gian hoàn toàn yên tĩnh, thanh bình, du khách được thả mình trong những ca khúc xưa. Bao ngột ngạt, bon chen, oi ả ngoài kia như dịu lại.

Những đồ vật cũ được ông Đúng sưu tậm ở nhiều nơi. Ảnh: HUÂN BÙI
Những vật dụng cũ được ông Đúng sưu tầm từ nhiều nơi. Ảnh: HUÂN BÙI

Điều thú vị là toàn bộ chất liệu từ cổng, đến sân vườn, nơi pha chế cà phê đều được xây bằng đá tổ ong. Ông Đúng chia sẻ: “Quán được xây dựng hoàn thành cách đây 3 năm, những viên đá ong này tôi phải cất công đi tìm ở khắp nơi, mất gần 3 năm mới đủ. Trước khi xây quán, thợ phải mất khá nhiều công sức chẻ từng viên đá. Khi xây dựng, đá ong được kết dính bằng vôi vữa, do đá ong khá nặng nên khi xây một đoạn tường thì dừng lại, chờ khoảng hơn hai mươi ngày mới tiếp tục xây, tránh bị sập tường. Vì vậy mà thời gian hoàn thiện quán kéo dài hơn một năm trời”.

Những vật dụng cũ hoài niệm một thời đã qua. Ảnh: HUÂN BÙI
Những vật dụng cũ gợi nhớ một thời đã qua. Ảnh: HUÂN BÙI

Với những nét độc đáo ấy, Cà phê Son là điểm đến lý tưởng cho những bạn trẻ ưa “sống ảo”. Chị Nguyễn Thị Thảo Ny (20 tuổi, phường Hoà Hương, TP.Tam Kỳ) cho hay: “Tôi học tập tại Đà Nẵng, cuối tuần thường về quê và không quên rủ bạn bè ghé quán để check-in. Bạn bè tôi ai cũng thích thú khi được ngắm, tận tay sờ lại những vật dụng có từ khá lâu”.

Với ông Đúng, tất cả đồ vật cũ ông đều quý và chúng được ông sưu tầm từ nhiều nơi trên đất nước. Riêng với các vật dụng thời chiến được ông dành một tình cảm đặc biệt. Ông Đúng tâm sự: “Tôi đi bộ đội thời chống Mỹ, bị thương 10 lần và mất cánh tay trái. Cà phê Son không những là nơi lưu giữ những kỷ niệm thời ấu thơ mà còn là nơi lưu giữ hồi ức đầy xúc cảm, là nơi để nhớ về những đồng đội năm xưa đã ngã xuống vì Tổ quốc”.

Toàn bộ quán có 40 chiếc bàn độc đáo đều được dùng từ chân máy may xưa. Ảnh: HUÂN BÙI
Không gian quán khá rộng và thoáng. Ảnh: HUÂN BÙI

Là khách quen của quán, ông Đặng Văn Phúc (60 tuổi, phường An Phú) chia sẻ: “Tôi là cán bộ hưu trí, mỗi sáng thường ngồi quán Son để nhâm nhi ly cà phê đắng, nhiều lần ký ức tuổi thơ lại ùa về như in trong tôi. Tôi nhớ mảnh đất quê mình từng là làng đá ong Quảng Phú, khi xưa dân lao động nghèo làm nghề đào đá ong, phải đào dưới lòng đất khoảng vài mét. Nghề đào đá ong cơ cực, kiếm từng đồng để nuôi dạy con cái khôn lớn, thành tài. Với những vật dụng cũ trang trí tại quán, đối với tôi chúng mang ý nghĩa sâu sắc, cho giới trẻ biết được một thời ông cha ta cơ cực nhường nào mới có một đất nước hòa bình, phát triển như ngày hôm nay”.

HUÂN BÙI