Đẩy mạnh sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng
(QNO) - Dù còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động phòng chống lao, nhưng Quảng Nam đã nỗ lực để thực hiện sàng lọc cộng đồng, giảm tỷ lệ bệnh nhân kháng thuốc tại nhiều địa phương.
Chủ đề của Ngày thế giới phòng chống lao năm 2021 là "The clock is ticking – Đồng hồ đã điểm", kêu gọi nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiến trình của chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu, bao gồm đảm bảo tiếp cận với dịch vụ y tế cho tất cả mọi người dân.
Tỷ lệ phát hiện bệnh thấp
Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo - Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ tiêu đề ra cho hoạt động phòng chống lao vẫn chưa đạt. Trong đó, kết quả điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc tại Quảng Nam hiện rất thấp. Tỷ lệ phát hiện bệnh lao được duy trì hằng năm trên dưới 1% dân số, chưa đáp ứng được số mắc lao trong cộng đồng. Chưa kể, tỷ lệ các huyện miền núi hiện bỏ theo dõi điều trị khá cao.
"Mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1.500 bệnh nhân được phát hiện mắc các bệnh về lao phổi, tỷ lệ điều trị thành công với bệnh nhân lao đạt đến 90%. Công tác khám sàng lọc cộng đồng toàn tỉnh của năm 2020 phát hiện 570 bệnh nhân trên 100 nghìn dân, đạt hơn 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ dân số được thử đờm 2 năm gần đây có xu hướng giảm mạnh, chưa đạt được chỉ tiêu 1% dân số được thử đờm" - bác sĩ Thảo nói. Cùng với đó, bệnh nhân lao trẻ em chỉ phát hiện từ 2 - 3% hàng năm, trong khi chỉ tiêu hàng năm là gần 5% trong tổng số bệnh nhân lao phát hiện.
Lực lượng bác sĩ chuyên khoa cũng là vấn đề đối với hoạt động phòng chống lao của Quảng Nam. Chính điều này gây khó trong việc phát hiện và giám sát bệnh lao tại các địa phương. Tại các tuyến, nguồn nhân lực cho công tác phòng chống lao còn yếu khi mỗi huyện chỉ có 1 cán bộ mà còn kiêm nhiệm thêm các chương trình khác. Đa số lực lượng này ở trình độ y sĩ và nhân lực biến động, đặc biệt là cán bộ xét nghiệm tại tuyến huyện. Bên cạnh đó, hoạt động xét nghiệm phát hiện chẩn đoán tại tuyến huyện chỉ mới dừng lại ở kỹ thuật truyền thống, bao gồm kỹ thuật xét nghiệm đờm và chụp Xquang. Quảng Nam hiện chỉ có TP.Hội An phát triển được kỹ thuật mới là Gene Xpert trong phát hiện và chẩn đoán lao.
Tổ chức sàng lọc diện rộng
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch có 50 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, khoảng 10 lượt bệnh nhân nhập viện, điều trị nội trú. Bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo cho biết, bệnh viện đã được Bệnh viện Phổi trung ương hỗ trợ dự án phòng chống lao quốc gia, trang bị một xe Xquang kỹ thuật số lưu động. Trên cơ sở đó, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện các chiến dịch phát hiện bệnh lao và bệnh phổi tại cộng đồng với số chẩn đoán mắc lao và đăng ký điều trị là 103 người.
"Quý I.2021 triển khai chiến dịch mở rộng hoạt động sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) kết hợp điều trị lao hoạt động tại 4 xã phường của TP.Hội An. Chụp được 1.600 phim Xquang, xét nghiệm Xpert cho 120 người (100% người có tổn thương nghi lao trên phim Xquang đều được xét nghiệm Xpert). Sắp đến chúng tôi sẽ triển khai chiến dịch mở rộng hoạt động sàng lọc cộng đồng bằng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) kết hợp điều trị lao hoạt động tại huyện Phước Sơn và xã đảo Cù Lao Chàm - Hội An", bác sĩ Nguyễn Thanh Thảo nói.
Theo bác sĩ Thảo, việc tổ chức khám sàng lọc là một trong những giải pháp quan trọng đang được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao. Chương trình này có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng.
"Trước đây, chúng ta chỉ chờ bệnh nhân đến các phòng khám lao mới có thể phát hiện bệnh nhân lao. Hiện nay, việc tổ chức các đợt khám sàng lọc trong cộng đồng giúp ngành y tế chủ động phát hiện bệnh nhân lao. Đặc biệt điều này cực kỳ hữu ích với những bệnh nhân mới chớm lao. Những người này mới chỉ tổn thương mờ nhạt thể hiện qua phim chụp X-quang phổi mà qua xét nghiệm đờm khó phát hiện, nhưng nếu để lâu vi khuẩn lao sẽ phát triển thành hang ổ trong phổi bệnh nhân, nguy cơ lây lan ra cộng đồng còn lớn hơn" - bác sĩ Thảo cho biết thêm.
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85%) và là nguồn lây chính cho người xung quanh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 - 15 người khác.