Gạc Ma một mùa giỗ nữa đi qua

TƯỜNG MINH 21/03/2021 07:46

Chúng tôi có mặt tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đúng vào mùa giỗ thứ 33 của các liệt sĩ. Người Việt những ngày này, ai cũng thấy như trong lòng mình có một vết cứa khi nghĩ đến trận chiến Gạc Ma làm 64 chiến sĩ ngã xuống từ 33 năm trước. 33 năm, không ai lãng quên Gạc Ma bởi thời gian có trôi đi bao nhiêu thì các chiến sĩ vẫn trẻ mãi với tuổi 20 đã trở thành bất tử...

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TƯỜNG MINH
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: TƯỜNG MINH

Bố sẽ không chê những món con nấu…

Mỗi khi có ai nhắc đến sự kiện Gạc Ma, hỏi đến chồng mình là liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh thì bà Đỗ Thị Hà (hiện sống tại phường Cam Lâm, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) lại đưa tay quệt nước mắt. Kỷ vật duy nhất của chồng mà bà Hà còn giữ được là tấm ảnh đen trắng chụp lễ cưới vào năm 1986 - hai năm trước khi xảy ra sự kiện Gạc Ma. Bức ảnh này hiện được bày trong bảo tàng của Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Tiếp chúng tôi ở nhà riêng bà Hà khóc một thì vào khu tưởng niệm thắp hương cho chồng và các đồng đội, nhìn thấy tấm ảnh bà Hà lại khóc mười. “Anh sống khôn thác thiêng, luôn phù hộ cho mẹ con em mạnh khỏe, bình an vượt qua sóng gió cuộc đời” - tay run run sờ vào tấm ảnh cưới qua làn kính, bà Hà thầm thì với chồng.

Khi chồng hy sinh, bà Hà kiên quyết không đi bước nữa, một mình nuôi con dẫu biết cuộc sống sẽ bộn bề gian khổ. Không nghề nghiệp, suốt mấy chục năm qua, bà Hà vật lộn với công việc phụ hồ. Và việc phụ hồ cũng mới chỉ chấm dứt hồi năm ngoái bởi bà không còn sức để bưng bê xi măng, vôi vữa. “Hiện con gái của chúng tôi sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, tôi chạy vô chạy ra Cam Ranh - Sài Gòn với con và vừa về đến nhà hôm qua để kịp thắp hương cho anh nhân ngày kỷ niệm” - bà Hà kể.

Bà Đỗ Thị Hà bên di ảnh chồng tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: T.M
Bà Đỗ Thị Hà bên di ảnh chồng tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ảnh: T.M

Cùng ở phường Cam Lâm (Nha Trang) còn có chị Trần Thị Thủy là con gái liệt sĩ Trần Văn Phương. Liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh khi chị Thủy mới còn trong bụng mẹ. “Từ nhỏ em chỉ biết bố Phương qua ảnh và những chuyện kể của mẹ. Nhưng cũng từ nhỏ, em đã thấy rất hãnh diện và tự hào về sự hy sinh của bố mình cùng các đồng đội trong trận chiến Gạc Ma” - chị Thủy kể.

Hiện nay, chị Thủy công tác tại chính nơi cha mình từng công tác trước lúc hy sinh là Lữ đoàn 146 của Hải quân Vùng 4, với cấp bậc thượng úy. Chồng chị Thủy cũng công tác trong lực lượng kiểm ngư. Hôm ấy, chị Thủy xin đơn vị nghỉ phép để ở nhà làm mâm cơm cúng bố và lên Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để thắp hương cho bố và đồng đội. Mâm cơm cúng có gà luộc, tôm rim, đồ xào và áo giấy nhìn khá đơn sơ. “Con cũng không biết là bố thích ăn gì, nhưng con nghĩ là bố sẽ không bao giờ chê những món tự tay con nấu dâng bố” - chị Thủy lầm rầm đốt nhang, khấn nguyện hương hồn bố.

“Làm sao quên được”

Đó là câu trả lời của cựu binh Lê Văn Thoa - một trong 9 người sống sót trở về từ đảo Gạc Ma, hiện sống tại TP.Quy Nhơn (Bình Định). Khi trên đường từ Đà Nẵng vào Khánh Hòa, chúng tôi ghé thăm ông, ăn “phở Trường Sa” và hỏi sắp đến mùa giỗ thứ 33 rồi, ông có về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không? Đã 4 năm nay, kể từ khi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng, năm nào anh Thoa cũng cùng con trai lặn lội từ Bình Định vào Khánh Hòa thắp hương cho đồng đội mỗi mùa giỗ. “Cho đến khi tôi không còn đi được nữa và chết đi, con trai tôi sẽ thay bố làm việc này” - ông Thoa khẳng định chắc nịch.

Trong tâm tưởng của người cựu binh già Lê Văn Thoa, những đồng đội trẻ ngã xuống, dù có người chưa kịp biết tên nhưng từ ngày có khu tưởng niệm để đi về thì những cái tên đã thân thuộc. “Năm 2017 khi Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được khánh thành chúng tôi mới có cơ hội gặp lại đồng đội, gọi tên những người đã khuất” - ông Thoa nói.

Năm 1997, ông Lê Văn Thoa xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường, bôn ba với cuộc sống nhưng vẫn đau đáu việc tìm lại gia đình đồng đội. Rồi một quán phở “Trường Sa” ra đời ở Quy Nhơn cũng từ tâm nguyện đó. “Không chỉ mưu sinh, khi đặt tên cho quán tôi cũng đắn đo lắm nhưng tôi chỉ mong nếu đồng đội nào từng đến từ nơi ấy sẽ tìm về hàn huyên, thân nhân của đồng đội tôi nếu có đi đâu xa cũng có chỗ quá giang. Nhà đồng đội, quán Trường Sa là địa chỉ để kết nối, để giúp đỡ nhau khi cần”.

Cũng như ông Thoa, cựu binh Nguyễn Văn Dũng trở về từ trận chiến đã không thế nào quên sự hy sinh của liệt sĩ Phan Tấn Dư (Phú Yên). Trong thời điểm hỗn loạn ấy chỉ vì tiếng ông Dũng bị khàn nên ông Dư đi thay. Chỉ kịp lướt qua nhau cái tên, cho đến khi nghe đài phát thanh thông báo ông Dũng lặng người khắc ghi “Phan Tấn Dư con ông Phan Đình Đố”. Và rồi hành trình tìm gia đình và trở thành con của bố mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư của ông Dũng đã trở thành biểu tượng của tình đồng đội, tình người. Điểm hẹn “Thiên Phước” - một nhà hàng bên bờ biển Nha Trang trở thành nơi tụ họp quen thuộc của thân nhân, đồng đội Trường Sa. Những suất học bổng, những phần quà dành cho gia đình khó khăn, những buổi gặp mặt chân tình được ông Dũng duy trì tổ chức vào ngày 14.3 hay ngày 22.12 hằng năm để nhắc và nhớ về đồng đội.

Hơn 1.200 ngày tìm di ảnh

Từ ngày đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (năm 2015), hành trình tìm kiếm những di vật, hình ảnh liên quan đến các chiến sĩ Gạc Ma cũng bắt đầu. Thời gian dường như xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng những tập vở học trò cũ nát vẫn được mẹ liệt sĩ Võ Đình Tuấn (Khánh Hòa) giữ không sót một trang; hay tấm áo hải quân vẫn còn nguyên lỗ đạn bắn, chiếc cầu vai áo duy nhất còn lại của các liệt sĩ sau hơn 30 năm... Thế nhưng chỉ duy nhất tấm hình của liệt sĩ Trần Quốc Trị (Quảng Bình) là mãi chưa tìm được.

Ông Võ Duy Trúc - Trưởng ban Quản lý Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cho biết: “Chỉ có 63 bức ảnh của các liệt sĩ, chúng tôi chỉ biết đưa ngôi sao thay tấm hình cho liệt sĩ. Từ khi đi vào hoạt động, trong mỗi lời thuyết minh khi nhân dân đến thăm đều dành những lời kêu gọi tìm ảnh cho anh”. Một ngôi sao trong 64 tấm bia ghi tên các liệt sĩ như nhức nhối. Họa sĩ Nguyễn Chung (Hà Nội) đã từng đề nghị sẽ vẽ truyền thần hình ảnh liệt sĩ Trần Quốc Trị. Thế nhưng dịch Covid-19 khiến tâm nguyện của anh chưa thành.

Hành trình tìm ảnh của liệt sĩ Trần Quốc Trị không ngừng nghỉ. Tháng 2.2019, trở về từ Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, PGS-TS. Ngô Văn Minh - Giảng viên Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng) cùng với rất nhiều học trò của mình đã tìm kiếm các nguồn, kết nối nhiều tổ chức, gia đình để tìm cho được bức ảnh thay vào ngôi sao Tổ quốc ghi công ở khu tưởng niệm. Ông Minh kể: “Gần 2 năm âm thầm tìm, một ngày tình cờ chúng tôi phát hiện được tấm ảnh căn cước có tên đúng với năm sinh, tên bố mẹ liệt sĩ Trị, nhưng khác cái là trên ảnh tên là Trần Văn Trị. Ngay trong đêm tôi cùng các học viên tìm về nhà liệt sĩ. Lúc ấy anh trai liệt sĩ Trị nhìn thấy tấm ảnh đã khóc òa, vì đúng là em trai. Tên khác vì có thể lúc đó đi khai làm chứng minh nhân dân bị sai tên đệm. Có được xác nhận của gia đình chúng tôi mừng quá báo cho ban quản lý và chính thức trao di ảnh cho ban quản lý”. Vậy là, sau hơn 1.200 ngày tìm kiếm, di ảnh của liệt sĩ đã được tìm thấy.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giờ đã trở thành điểm đến trong hành trình về nguồn của nhân dân cả nước. Không chỉ người thân, đồng đội mà với mỗi người Việt, không ai lãng quên các liệt sĩ. Và với nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ, khu tưởng niệm giờ đây không phải là nơi gợi nhớ nỗi đau mà đã là chốn đi về. Mà nói như bà Đỗ Thị Hà là: “Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều khi chồng mình được nhắc nhớ, khói hương trong một khuôn viên đẹp như thế này”.

TƯỜNG MINH