Bền lòng với nghề điêu khắc gốc tre mỹ nghệ
(QNO) - Gần 21 năm qua, ông Huỳnh Phương Đỏ (49 tuổi, phường Minh An, Hội An) vẫn bền bỉ với nghề điêu khắc gốc tre, làm nên những tác phẩm cực kỳ sống động và tinh tế. Đến Hội An, nhiều người ắt hẳn sẽ nhớ đến người nghệ nhân này, ông đang hành nghề tại Công viên Kazik.
Trận lũ lịch sử năm 2000 tràn về Hội An, những gốc tre dạt vào hiên nhà, ông Đỏ vớt lên với suy nghĩ phải biến chúng thành món quà lưu niệm nào đấy cho du khách. Và nó phải là độc đáo. Mày mò, tỉ mẩn rồi ông bén duyên với nghề điêu khắc gốc tre từ đó. Những gốc tre khô khốc vô tri, xù xì, qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của ông Đỏ đã trở thành nhiều phẩm mỹ nghệ độc đáo, có hồn như Phúc - Lộc - Thọ, Quan Công, Bồ Đề Đạt Ma...
Để có được những gốc tre làm phôi, ông phải săn lùng trên nhiều vùng quê Quảng Nam. Ông chọn gốc tre được đào lên từ vùng đất thịt, đất sét. Đào gốc tre các vùng này khó hơn vùng cát nhưng lại cứng cáp và có nhiều hình dáng độc đáo hơn. Sau đó, phải mất 6 tháng ngâm gốc tre dưới bùn và phơi khô hàng chục nắng để gốc tre được bền bỉ, không bị mối mọt làm hại.
Thứ gốc cây xù xì, xấu xí, chỉ mỗi việc trồng để giữ đất khỏi bị xâm thực, để làm dụng cụ nhà nông bao đời nay lại có lúc trở nên hữu ích theo một cách khác. Hình thù mỗi gốc tre không gốc nào giống gốc nào, ngồi trước những gốc tre muôn hình muôn trạng, người nghệ nhân như ông Đỏ phải động não, tận dụng những đường nét tự nhiên, độc đáo để chế tác.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đến Hội An giảm mạnh nên gian hàng trưng bày sản phẩm của ông Đỏ cũng thưa thớt người xem, nhưng vốn đam mê với nghề điêu khắc gốc tre, ông chưa hề nghĩ sẽ từ bỏ. Đều đặn mỗi ngày, từ khoảng chập tối đến gần 23 giờ đêm, ông Đỏ tỉ mỉ bên những gốc tre cùng tiếng đục đẽo vui tai đã trở thành hình ảnh quen thuộc của khu trung tâm phố cổ Hội An.
Bình thường, ông Đỏ bán một tác phẩm với giá dao động 700 - 800 nghìn đồng, có khi lên đến vài triệu đồng nếu khách mê sản phẩm ấy hoặc mến mộ tài nghệ của ông. Còn nay thì khách du lịch thưa thớt, sản phẩm bán không chạy, tiếng đục đẽo của người nghệ nhân này cũng trở nên kém vui tai.
“Do ảnh hưởng của mùa dịch từ năm trước mà 7 cơ sở phân phối sản phẩm của tôi trên cả nước đã tạm dừng hoạt động. Hiện nay, tôi chỉ còn bán chủ yếu ở tuyến phố cổ này, lúc trước một ngày bán được hơn 15 sản phẩm, bây giờ chỉ chừng 1 - 3 sản phẩm. Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, du khách cũng bắt đầu quay lại Hội An, do đó tôi tin sản phẩm điêu khắc gốc tre sớm được nhiều người để ý hơn nữa” - ông Đỏ lạc quan nói.
Ông Đỏ bộc bạch, ông có 4 người học trò rất lành nghề, nhưng dịch đến, họ bỏ nghề đi tìm những công việc khác để mưu sinh. Ông buồn, nhưng không vì thế mà bỏ cái nghề đã theo đuổi, nuôi sống ông và gia đình gần 21 năm qua.
Ông Đỏ chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là được truyền nghề cho thế hệ trẻ, trong tương lai tôi sẽ mở một cơ sở dạy nghề dành riêng cho những người yêu thích điêu khắc gốc tre tại Việt Nam. Vì với tôi hình ảnh cây tre là nét đẹp thân thương gắn với những sinh hoạt hằng ngày của mỗi người dân vùng quê Việt, muốn góp một chút khả năng để lưu giữ cái nghề mà mình yêu mến”.