Bảo hiểm xã hội Quảng Nam: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) là hướng đi mà ngành BHXH đang thực hiện hiệu quả.
Cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 4
Chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng internet là có thể thực hiện các dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam mọi lúc, mọi nơi. BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp, liên thông 100% dịch vụ công mức độ 4 của ngành BHXH trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Có 13 thủ tục được cung cấp, thực hiện dịch vụ công mức độ 4 gồm: cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT; giải quyết hưởng chế độ thai sản; đăng ký, điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; thủ tục liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN và báo cáo tình hình sử dụng lao động; giải quyết hưởng chế độ ốm đau; giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đăng ký, đăng ký lại, điều chỉnh đóng BHXH tự nguyện, cấp sổ BHXH. Việc ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ sở y tế cũng được thực hiện qua cổng dịch vụ công.
Với người hưởng, việc nhận chế độ BHXH hàng tháng bằng tiền mặt chuyển sang lĩnh bằng tài khoản cá nhân và ngược lại, hoặc thay đổi tài khoản cá nhân, hoặc thay đổi nơi nhận trong địa bàn tỉnh đều có thể thao tác trên điện thoại di động hoặc máy tính có kết nối mạng. Việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện nhanh hơn. Giải quyết di chuyển đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng và người chờ hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng từ tỉnh này đến tỉnh khác không cần phải đến cơ quan BHXH làm hồ sơ. Giải quyết hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người xuất cảnh trái phép trở về nước định cư hợp pháp, người được tòa án hủy quyết định tuyên bố mất tích cũng được hỗ trợ thực hiện thuận lợi trên cổng dịch vụ công.
Góp phần cải cách hành chính
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng CNTT (BHXH Quảng Nam) chia sẻ, để phục vụ mục tiêu cải cách hành chính, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, BHXH Quảng Nam được trang bị cơ bản đầy đủ về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, hệ thống mạng và các phần mềm nghiệp vụ cũng như việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức về CNTT. BHXH các cấp đều được trang bị và thực hiện đồng bộ ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn của ngành...
“Ngành BHXH đã trang bị hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tại BHXH tỉnh và BHXH cấp huyện, phục vụ tốt công tác chuyên môn, triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng chữ ký số cho đội ngũ viên chức lãnh đạo trong toàn hệ thống. Qua đó đã góp phần cùng toàn ngành BHXH đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện cải cách hành chính, rút ngắn thời gian tham gia và thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT của các đơn vị và người dân” - ông Châu Ngọc Quang nói.
Hiện ngành BHXH ứng dụng có hiệu quả 14 phần mềm nghiệp vụ của ngành do BHXH Việt Nam cung cấp trong các lĩnh vực kế toán, thu và quản lý sổ thẻ, xét duyệt chính sách, tiếp nhận hồ sơ và giao dịch BHXH điện tử, giám định BHYT điện tử, cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT, cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình, tra cứu thông tin về quản lý cấp giấy chứng nhận... Đến nay, phần lớn các nghiệp vụ của cơ quan BHXH đều được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm và đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, điều hành công việc. Toàn bộ quá trình tham gia BHXH, BHYT của người tham gia đã được cơ quan BHXH nhập liệu và quản lý trên cơ sở dữ liệu tập trung, việc giải quyết chế độ chính sách đã được thực hiện chuyên môn hóa thông qua phần mềm xét duyệt TCS. Tỷ lệ các đơn vị thực hiện lập, gửi danh sách tham gia BHXH, BHYT thông qua giao dịch điện tử trong toàn tỉnh đạt 98%, rút ngắn được thời gian giải quyết, đồng thời giảm chi phí đi lại cho người dân và đơn vị sử dụng lao động, nhất là công tác lưu trữ điện tử đã được áp dụng mạnh mẽ, tiến tới không lưu trữ hồ sơ giấy. Mục tiêu áp dụng CNTT từ khâu đầu vào cho đến đầu ra, lưu trữ dữ liệu điện tử, giảm hoặc cắt thời gian đi lại cho người dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã được ngành BHXH ứng dụng thông suốt. Việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục, yêu cầu của người tham gia, cơ quan, doanh nghiệp hướng đến thực hiện trên môi trường mạng.