Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030: Nhiều mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả
Chiều 18.3, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước 2011 – 2020, xây dựng chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương dự hội nghị.
Theo báo cáo của Chính phủ, quá trình thực hiện CCHC thời gian qua gắn với triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước ta.
Sau khi Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 được ban hành, các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương tới chính quyền địa phương các cấp đã thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai Chương trình tổng thể, nhiều bộ, ngành và địa phương đã có những mô hình, sáng kiến mới được nghiên cứu, áp dụng có hiệu quả.
Từ năm 2015 đến nay, các bộ, ngành đã có khoảng 461 mô hình, sáng kiến CCHC; các tỉnh có khoảng 6.124 mô hình, sáng kiến CCHC, trung bình mỗi tỉnh có 16 mô hình, sáng kiến/năm. Nhìn chung, đa số mô hình, sáng kiến CCHC đã được triển khai, nhân rộng trong phạm vi của từng tỉnh; ngoài ra, cũng có nhiều mô hình, sáng kiến CCHC đã được các tỉnh tham khảo, áp dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh địa phương mình.
Trong cải cách thể chế, từ năm 2012 đến nay, các bộ đã ban hành hơn 8.600 văn bản quy phạm pháp luật. Từ năm 2011 đến tháng 5.2020; các tỉnh thành đã ban hành 385.826 văn bản quy phạm pháp luật. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11.2020 đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 TTHC; 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương 6.300 tỷ đồng. Tính đến tháng 3.2020, các bộ ngành Trung ương giảm 10.284 người và các địa phương giảm 13.612 người so với số biên chế công chức giao năm 2015…
Trọng tâm CCHC 10 năm tới là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chú trọng tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức; phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.