Bùng phát bệnh tay chân miệng
Chưa bước vào thời kỳ đỉnh dịch nhưng số trẻ em mắc tay chân miệng (TCM) tại Quảng Nam đang tăng lên. Đặc biệt, năm nay số ca mắc ở thể nặng và nhiều biến chứng hơn so với năm 2020.
Ghi nhận các thể nặng
Tại Khoa Nhi truyền nhiễm, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, chỉ trong 3 ngày đầu tuần này ghi nhận 18 ca nhập viện vì TCM. Bác sĩ Huỳnh Thị Hoàng Diệp - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, so với năm ngoái, số trẻ mắc TCM năm nay tăng cả về số ca và trường hợp thể nặng. Bệnh TCM xuất hiện rải rác quanh năm nhưng cao điểm rơi vào tháng 4, tháng 5 khi bắt đầu giao mùa.
“Bệnh TCM năm nay đến sớm hơn và số trẻ mắc cũng nhiều hơn. Các bệnh nhi chúng tôi đang điều trị chủ yếu ở Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước, Núi Thành. Trong đó có nhiều trẻ khi đưa đến nhập viện thì bệnh đã diễn biến nặng” - bác sĩ Diệp chia sẻ.
TCM ở trẻ em là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Cao Thịnh - công tác tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cho biết, số ca đến khám tại bệnh viện những ngày gần đây thường có dấu hiệu của bệnh TCM như nổi mụn nước, sốt, quấy khóc và rơi vào độ tuổi từ 2 - 5. Trong giai đoạn tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ còn khá yếu nên dễ dàng bị nhiễm vi rút gây bệnh. Bệnh lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.
Theo ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam, trong những ngày gần đây, bệnh TCM ở trẻ rơi vào thời kỳ bùng phát. Từ đầu năm đến nay đã có 123 ca TCM, tăng 31 ca so với cùng kỳ năm 2020. Riêng trong tuần này phát hiện 34 ca mắc mới, rải rác ở nhiều địa phương, tuy nhiên CDC Quảng Nam chưa có báo cáo ghi nhận ổ dịch.
“Chúng tôi đã đề nghị các đơn vị có ca mắc cao như Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ điều tra dịch tễ các chùm ca bệnh liên quan để phát hiện và xử lý sớm ổ dịch” - ông Huỳnh Công Quang nói.
Khuyến cáo phòng ngừa
Theo khuyến cáo từ ngành chức năng, tốc độ lây lan của bệnh TCM khá nhanh, đôi khi trở nên nguy hiểm với các biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp..., nguy cơ trẻ có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm. Thông tin từ CDC Quảng Nam, ngành y tế Quảng Nam vừa nhận được thông báo từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết các ca bệnh TCM của Quảng Nam chuyển ra Đà Nẵng đều trong tình trạng nặng và yêu cầu tỉnh sớm có biện pháp tuyên truyền các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học về vệ sinh, phòng ngừa.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hoàng Diệp cho hay, bệnh dễ lây lan ở những nơi đông trẻ như trường mẫu giáo, nhóm trẻ, do đó các cơ sở này cần tuân thủ nghiêm biện pháp giữ gìn vệ sinh. Đồng thời các bậc phụ huynh có con ở độ tuổi này cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, giữ bàn tay sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để không lây cho trẻ khác.
Trước dấu hiệu gia tăng của bệnh TCM, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị quan tâm triển khai chống dịch. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng chống bệnh TCM cho trẻ, do đó Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Bao gồm: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng…