Cấp lại tiền thu sử dụng đất: Nguồn lực cho các địa phương
Chiều 16.3, trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa IX, nhiều ý kiến thống nhất đề xuất cấp lại tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tại Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh khóa IX, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thống nhất thông qua quyết nghị về việc để lại tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành.
Theo đó, cấp lại 100% từ tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn của 4 địa phương nói trên do tỉnh quản lý sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), bồi thường hỗ trợ (BT – HT), tái định cư (TĐC), các chi phí liên quan khác của chính khu đất đó (nếu có); trích nộp Quỹ phát triển đất và 10% thực hiện công tác đo đạc, chỉnh lý đất đai theo quy định (trừ số thu phát sinh của các dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) trong niên độ ngân sách năm 2021.
Cũng theo đề xuất của UBND tỉnh, sử dụng từ nguồn thu tiền sử dụng đất chưa phân bổ năm 2019, năm 2020 chuyển nguồn sang năm 2021 (kể cả phần 20% tạm dừng trích lập Quỹ phát triển đất) và 20% tạm dừng trích lập Quỹ phát triển đất năm 2021.
Ông Trần Nam Hưng – Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng, địa phương rất phấn khởi về việc UBND tỉnh đề xuất, trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết cấp lại tiền sử dụng đất cho 4 địa phương, trong đó có TP.Tam Kỳ. Về nghị quyết hỗ trợ ban chỉ đạo, hội đồng thẩm định và tổ giúp việc phương án BT – HT, GPMB, TĐC và thẩm định giá đất, HĐND tỉnh cần khẳng định rõ nguồn kinh phí thực hiện có phải theo khoản 19, Điều 2, Quyết định 19 ngày 5.9.2017 của UBND tỉnh hay không.
“Về việc cấp lại tiền sử dụng đất đối với 4 địa phương, Tam Kỳ đề nghị bỏ nội dung trừ số thu phát sinh của các dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, hoặc sửa lại trừ số thu phát sinh của các dự án trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai do tỉnh hoặc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư. Việc có nguồn lực từ tiền khai thác đất sẽ khuyến khích các địa phương kêu gọi đầu tư, thực hiện công tác BT – HT cho dự án đó” – ông Hưng đề nghị.
Là địa bàn có nhiều dự án trọng điểm, nhưng từ năm 2018 Núi Thành gần như “thất thu” từ tiền khai thác đất do cơ chế điều tiết phân bổ về tỉnh, hay Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai.
Ông Nguyễn Tri Ấn - Bí thư Huyện ủy Núi Thành phân trần, hơn 2 năm qua địa phương đã làm hết công tác GPMB cho nhà đầu tư vào khai thác quỹ đất, nhưng không hưởng lợi được gì. Bất cập ở chỗ, nhà đầu tư chọn những khu vực ít giải tỏa mặt bằng, không triển khai thu hồi phần đất ở khu dân cư đông đúc.
Ví dụ điển hình là dự án khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa đến thời điểm này vẫn chừa lại, không giải tỏa nhiều diện tích khu dân cư hiện hữu. Hệ lụy là giữa đất dự án phát triển đô thị không khớp nối hạ tầng với khu dân cư cũ, gây khó khăn cho công tác quản lý.
“Cho nên việc cấp lại tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất ở các dự án sẽ giúp cho địa phương có thêm nguồn lực đầu tư khớp nối hạ tầng, hoàn thiện các khu dân cư” – ông Ấn nói. Nhiều ý kiến đồng tình với việc có mức hỗ trợ nhất định cho cán bộ, thành viên của hội đồng tư vấn xét duyệt nguồn gốc đất cấp xã, phường; cán bộ thẩm định giá đất của mỗi dự án.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành hiện nay triển khai dở dang nhiều dự án hạ tầng, nên việc để lại tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ; giải quyết được rào cản kéo dài thời gian trong xét duyệt xác nhận nguồn gốc đất cơ sở; tiền hỗ trợ các thành viên hội đồng xét duyệt tư vấn nguồn gốc đất có thể sử dụng nguồn ngân sách hoặc trích lại từ kinh phí BT cho từng dự án đầu tư.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức khẳng định, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13 năm 2018 của HĐND tỉnh, đến nay một số dự án tại các địa phương đang thực hiện dở dang, mặt khác, do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và nguồn thu của các địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc cấp lại tiền giao đất có thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn lực cho các địa phương hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là thiết thực và cần thiết.