Leng keng... kẹo kéo
“Ai kẹo kéo… không? Kẹo kéo… đây…”. Tiếng rao cất lên lanh lảnh và trong trẻo thu hút đám trẻ nhỏ đã theo ông Phan Văn Trọng (SN 1966, trú tại thôn Thanh Ly, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) hơn 30 năm qua.
Hộp kẹo kéo đặt sau chiếc xe đạp cũ và chiếc chuông “leng keng” phía trước xe là tất cả vốn liếng của ông Trọng suốt mấy mươi năm. Theo nghề từ năm 1985 đến nay, người đàn ông này quá quen với từng vòng xe đạp và thuộc mọi nẻo đường từ huyện Quế Sơn, qua Duy Xuyên, Điện Bàn rồi đến TP.Hội An.
Ông Trọng cho biết, hồi còn trẻ ông làm rất nhiều nghề nặng nhọc để mưu sinh. Tuy nhiên, khi trở về làng thấy nghề làm kẹo kéo thịnh hành, sẵn có các cụ chỉ dạy quy trình làm kẹo, thế là ông học nghề.
Thoạt nhìn, thấy thùng kẹo kéo đơn giản nhưng chỉ khi nấu ra mới biết “cục kẹo khổng lồ” này cần rất nhiều công đoạn. Muốn kẹo kéo ngon thì tất cả công đoạn nấu kẹo và rang đậu phụng đều phải qua lửa củi. Đặc biệt, người nấu phải canh thời tiết để trộn đường với nước, nấu lên và quay. Thời tiết nắng nóng dễ làm cho đường bị chảy, kẹo nấu ra coi như bỏ đi.
Nhắc đến đây, ông Trọng nói: “Thành thông lệ, cứ 5 giờ sáng là tôi thức giấc coi thời tiết ra sao, sau đó mới soạn đồ ra nấu kẹo. Quy trình quanh quẩn ở mấy việc như nấu đường, đánh ra, trộn sữa rồi bỏ đậu. Nấu xong, tôi gói kẹo rồi soạn đồ bỏ lên xe đạp đi bán”.
Vòng quay xe đạp của người đàn ông này cứ thế đều đặn trên mỗi nẻo đường từ huyện Quế Sơn đến TP.Hội An. Kể cả đi lẫn về, mỗi ngày ông Trọng đạp gần 50 cây số. Ngày xưa còn đói khổ, trẻ con không có tiền mua nên thường lấy lông vịt, lông ngỗng hoặc dép nhựa, vỏ lon… đổi kẹo kéo. Ông Trọng vẫn vui vẻ đồng ý, đổi xong thì về đi bán phế liệu rồi mới thu tiền về, tính lời lãi. Theo thời gian, không còn đứa trẻ nào đổi các thứ đồ để lấy kẹo nữa, cuộc sống khấm khá hơn nên trong túi đứa nào cũng có tiền ăn quà vặt.
Bây giờ, mỗi cây kẹo kéo bán giá 5.000 - 10.000 đồng, bán hết hộp kẹo, ông Trọng lãi được 300 nghìn đồng, đủ tiền chợ và nuôi con học THPT. Khi có khách du lịch, số lượng bán ra nhiều, tiền “boa” cũng rủng rỉnh hơn. Tuy nhiên, hơn năm qua, xe kẹo kéo của ông Trọng ế ẩm vì đại dịch Covid-19.
Ông Trọng kể: “Có hôm đạp muốn rã chân mà tôi bán được chỉ vài cây kẹo, không đủ vốn. Tính bỏ đi làm chuyện khác, nhưng thấy mấy đứa học sinh nài nỉ muốn mua kẹo, tôi lại tiếp tục đi bán”.
Bạn cùng thời với ông Trọng đi bán kẹo kéo nhiều, theo thời gian họ bỏ nghề dần vì thị trường có quá nhiều loại bánh kẹo cho trẻ em. Ở thôn Thanh Ly bây giờ, chỉ có mỗi căn bếp nhà ông Trọng đỏ lửa mỗi ngày để nấu kẹo kéo. Với ông, nghề này không chỉ giúp có thêm thu nhập, mà còn giữ hương ký ức trẻ thơ cho nhiều thực khách. Hơn nữa, trẻ con hay du khách ngày nay vẫn có người hứng thú với thức quà này.
Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Cửa Đại, TP.Hội An) cho biết: “Trưa nào ông già kẹo kéo cũng đạp xe qua đây, mấy đứa con tôi rất thích loại kẹo này. Tôi mua cho các con và cũng muốn ủng hộ để ông tiếp tục theo nghề”.