Hồi sinh Tohoku

KIM OANH 11/03/2021 15:51

(QNO) - Mười năm trôi qua kể từ khi vùng Tohoku (Nhật Bản) bị rung chuyển bởi thảm họa kép: động đất và sóng thần, quá trình tái thiết vẫn diễn ra để nhịp sống dần trở lại bình thường.

Đoàn tàu Sanriku ở Iwate hoạt động trở lại sau ba năm thảm họa kép được xem là biểu tượng cho sự phục hồi của khu vực. Ảnh: Nippon
Đoàn tàu Sanriku ở Iwate hoạt động trở lại sau 3 năm thảm họa kép được xem là một trong những biểu tượng cho hồi sinh của khu vực. Ảnh: Nippon

Ngày 11.3.2011, trận động đất gây ra sóng thần hủy diệt cực mạnh làm rung chuyển vùng đông bắc Nhật Bản khoảng 6 phút, san phẳng gần như tất cả thị trấn ven biển và thâm nhập đến 10km trên đất liền, khiến 16 nghìn người thiệt mạng và hơn 2.500 người mất tích. Iwate, Miyagi và Fukushima là 3 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất, thêm hậu quả nghiêm trọng khác phải kể đến thảm họa hạt nhân Fukushima.

Sau khi bị sóng thần tàn phá, đường sắt Sanriku ở Iwate hoạt động trở lại 3 năm  sau đó được xem là biểu tượng cho sự phục hồi của khu vực. Ông Ichiro Nakamura - Giám đốc Công ty Đường sắt Sanriku bày tỏ: “Tôi hy vọng mọi người từ khắp Nhật Bản và thế giới sẽ đến thăm Sanriku, đi trên đường sắt Sanriku đã được xây dựng lại hoàn toàn và tận hưởng những gì chúng tôi có thể cung cấp”.

Lòng tin của người tiêu dùng đang được lấy lại thông qua quá trình kiểm tra bức xạ nghiêm ngặt, việc đánh bắt thủy hải sản nổi tiếng ở vùng biển Hiroro đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững với những sản phẩm chất lượng.

Còn cảng cá ở Kesennuma (tỉnh Miyagi) bị thiệt hại nặng nề do sóng thần nhưng các sản phẩm biển quanh khu vực không bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ, người dân địa phương nỗ lực duy trì vị trí là nhà sản xuất cá ngừ tươi lớn nhất Nhật Bản.

Ngành nuôi hàu nổi tiếng của địa phương, từng gặp nguy hiểm, nay đang hoạt động tốt trở lại. Ông Kiyohiro Goto - một trong những chủ trang trại hàu cho biết, những người nuôi hàu tại đây đang áp dụng công nghệ và phương pháp nuôi hàu trong khung thời gian ngắn hơn, giúp giảm chi phí và cải thiện hương vị.

Còn tại Ishinomaki - nơi chịu nhiều thiệt hại nhất của Miyagi, các tình nguyện viên trẻ tuổi địa phương đã khởi động dự án Ishinomaki 2.0, hiện bao gồm hơn 4.000 thành viên - những người nhìn thấy cơ hội đóng góp vào việc khôi phục Ishinomaki và ghi dấu ấn của họ theo một cách sáng tạo, ý nghĩa và thú vị.

Dự án Ishinomaki 2.0 cải tạo và thiết kế các nơi bị bỏ hoang thành khu vực kinh doanh, học tập, xây dựng sân chơi cho trẻ em, khởi nghiệp đào tạo công nghệ thông tin hay tái sử dụng các mảnh vụn đổ nát thành những vật dụng có ích... Chuyển từ một thành phố bị thiên tai trở thành một thành phố kiểu mẫu cho sự hồi sinh của khu vực, những lực lượng trẻ đó là hiện thân của hy vọng Ishinomaki.

Theo Đài NHK Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide vừa đến thăm Fukushima và thảo luận với người dân địa phương về các nỗ lực đang diễn ra để tái thiết nơi này sau các trận động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân năm 2011.

Với hy vọng về tương lai Fukushima, bà Igarashi Rieko (57 tuổi) quay trở lại sống tại thành phố Minamisoma. Tại đây, bà đã xây lại nhà và cửa hiệu của mình. Bà nói với Thủ tướng Suga Yoshihide rằng bà cũng từng là người cắt tóc cho ông tại tòa nhà cho thành viên Quốc hội khi bà làm việc ở Tokyo.

Một cư dân khác, Higashiyama Haruna (35 tuổi), nay quay lại thị trấn Namie từ tỉnh Kyoto. Cô Higashiyama là người quản lý “Michi-no-eki” của thị trấn, tức là cơ sở ven đường mà người dân khu vực, trong đó có cả du khách, có thể nghỉ ngơi và thưởng thức các sản phẩm cũng như văn hóa địa phương.

Cô Higashiyama cho biết thị trấn đang có nhiều hoạt động sáng tạo và hy vọng rằng cơ sở của mình sẽ giúp quảng bá thông tin và thúc đẩy người địa phương cùng nhau bàn về tương lai.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết ông cảm nhận rằng hoạt động tái thiết Fukushima đang diễn ra thuận lợi nhờ có tương tác giữa người dân địa phương cùng những hỗ trợ tới từ bên ngoài.

KIM OANH