Người lao động nhận BHXH một lần: Lợi trước mắt, khó về sau
Nghị quyết số 28 năm 2018 về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) nhấn mạnh đến việc nâng cao tỷ lệ bao phủ của chính sách BHXH tự nguyện. Thực tế, số người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần ngày càng tăng cho thấy tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện chưa cao, làm giảm tính an sinh của chính sách.
Tăng người nhận BHXH một lần
Theo thống kê của BHXH TP.Hội An, số người nhận một lần chế độ BHXH tự nguyện tại địa phương ngày càng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 có 633 người nhận BHXH một lần, năm 2018 có 922 người, đến 2020 tăng lên 1.555 người. Độ tuổi bình quân của người nhận chế độ BHXH một lần chỉ có 34,3 tuổi.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Giám đốc BHXH TP.Hội An nói: “Thực trạng nhận BHXH một lần rất đáng lo ngại. NLĐ nhận BHXH một lần đồng nghĩa họ rơi khỏi lưới an sinh, khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu. Người làm công tác chính sách như chúng tôi thấy rất trăn trở, bởi dù tuyên truyền ra sao thì người trẻ cũng không đợi được để cộng dồn rồi hưởng lương hưu, họ chỉ muốn nhận chế độ để giải quyết khó khăn trước mắt khi nghỉ việc”.
Trong toàn tỉnh, số người nhận BHXH một lần năm 2016 là 8.161 người, đến năm 2020 tăng lên 14.207 người. Tổng số NLĐ nhận BHXH một lần giai đoạn 2016 - 2020 là 53.499 người, độ tuổi người nhận BHXH một lần là 32,1 tuổi.
Bà Trần Thị Kim Sang - Phó Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh) cho biết, có sự chênh lệch rất rõ tỷ lệ người hưởng BHXH một lần giữa các vùng, miền, loại hình tham gia BHXH, độ tuổi và thời gian tham gia. Nguyên nhân khiến người hưởng BHXH một lần có xu hướng tăng trong năm 2020 là ảnh hưởng kinh tế do đại dịch Covid-19, NLĐ khó khăn nên xem đó như khoản tiền để dành, rút ra giải quyết khó khăn trước mắt. Mặt khác, NLĐ có tâm lý e ngại phải chờ đợi lâu để hưởng tối đa lương hưu, quan trọng nhất là do nhận thức chưa đầy đủ của NLĐ về các chính sách an sinh xã hội được hưởng lương hưu khi về già...
Cần tính hấp dẫn của chính sách
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, trong đó có nội dung nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, như nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Hay mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc, hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH. Nghị quyết số 28 cũng chỉ rõ “có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Chính sách BHXH nói chung được thực hiện dựa trên nguyên tắc, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Với hai loại hình BHXH bắt buộc (dựa trên đóng góp của NLĐ và người sử dụng lao động) và BHXH tự nguyện (dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ LĐ). Chế độ hưu trí khuyến khích NLĐ tích lũy quá trình đóng BHXH khi còn trẻ, còn khả năng LĐ để được hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân.
Luật BHXH quy định NLĐ phải đáp ứng 2 điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH (đủ 20 năm) mới được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho nhiều NLĐ được hưởng lương hưu khi về già, pháp luật BHXH cho phép người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm được đóng một lần cho những năm còn thiếu (nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm) để hưởng ngay lương hưu. Nghị quyết 28 có nội dung sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.
Để giảm tình trạng NLĐ hưởng chế độ BHXH một lần, ngành BHXH đã tích cực tuyên truyền, vận động. Khi chính sách chưa có sự thay đổi theo hướng tăng tính hấp dẫn thì tuyên truyền, vận động thay đổi ý thức của NLĐ là một giải pháp trước mắt mà ngành BHXH thực hiện, để đảm bảo được tính an sinh xã hội về lâu dài.