"Ghi điểm" với nhiều mô hình sáng tạo
Công tác hội và phong trào phụ nữ của xã Tam Lãnh (Phú Ninh) thời gian qua ghi nhiều dấu ấn với những cách làm mới, sáng tạo, dựa trên sức mạnh đoàn kết, gắn bó của tập thể cán bộ, hội viên, phụ nữ.
Lan tỏa nhân ái
Hơn 40 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ vùng biên
Thông qua tiết kiệm mỗi lần đi chợ ít nhất 1.000 đồng/hội viên phụ nữ, trong 3 năm (2018 - 2020), cán bộ, hội viên, phụ nữ xã Tam Lãnh đã đóng góp, ủng hộ hơn 40 triệu đồng vào chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động. Phụ nữ xã Tam Lãnh còn duy trì mô hình nuôi heo đất, tiết kiệm được 46 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương, trao học bổng tặng trẻ em nghèo, hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn…
Bà Bùi Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Lãnh cho biết, toàn xã có hơn 1.670 hội viên, đa số sống bằng nghề nông, một số ít buôn bán nhỏ lẻ, nhưng nhờ sự đoàn kết vượt khó, phụ nữ toàn xã đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” giúp nhau vượt khó trong hội viên phụ nữ xã Tam Lãnh được phát huy, trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp.
Điển hình là năm 2017, Hội LHPN xã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mô hình “Những bông hoa đời thường”. Mô hình phát huy tinh thần tự nguyện của chị em các chi hội trong việc nhận giúp đỡ, chăm sóc người già neo đơn.
Từ mô hình điểm ở thôn An Bình, đến nay Hội LHPN xã duy trì và nhân rộng ở 5 chi hội với hơn 250 thành viên, giúp đỡ thường xuyên 7 cụ già là hộ nghèo neo đơn với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng.
Phát huy hiệu quả mô hình “Những bông hoa đời thường”, Hội LHPN xã Tam Lãnh tiếp tục triển khai nhiều mô hình nhân ái khác. Cái tên “Bữa cơm nhân ái di động” là một ví dụ. Mô hình ra đời trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người dân phải thực hiện các quy định cách ly phòng chống dịch.
Hội LHPN xã kêu gọi hội viên đóng góp công, góp của để duy trì mỗi tháng 2 lần, trao các phần cơm đến tận nhà cho người già yếu. Tiếp đó, để kịp thời hỗ trợ phụ nữ gặp khó khăn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hội đã thay đổi hoạt động với mô hình “Buổi sáng chia sẻ yêu thương 0 đồng” với hơn 2.000 suất ăn và nhu yếu phẩm trao tặng trị giá hơn 100 triệu đồng. Hội LHPN xã cũng tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm tổ chức trao tặng hơn 400 suất quà hỗ trợ hộ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tăng cường đồng hành
Địa bàn khó khăn, có đông phụ nữ dân tộc thiểu số, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 Hội LHPN xã Tam Lãnh đổi mới nội dung phương thức hoạt động theo từng nhóm, qua đó thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia tổ chức hội. Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ nơi đó có hoạt động hội”, trong nhiệm kỳ, Hội LHPN xã Tam Lãnh đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác hội và phong trào phụ nữ. Hội thường xuyên đứng tốp đầu phong trào thi đua phụ nữ huyện Phú Ninh. Trong đó, năm 2016 và năm 2020, Hội vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong công tác hội.
Bên cạnh hoạt động phong trào bề nổi nhằm thu hút, tập hợp hội viên, Hội LHPN xã Tam Lãnh còn khẳng định vai trò, vị thế của mình bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong đồng hành, phát triển phụ nữ. Nổi bật là công tác giúp đỡ hộ nghèo, phụ nữ khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Năm - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn An Lâu (xã Tam Lãnh) chia sẻ, “không đói nghèo” là một trong những tiêu chí rất quan trọng và khó thực hiện khi vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”. Do đó, hằng năm chi hội rà soát nắm chắc từng hoàn cảnh hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, phân tích nguyên nhân cụ thể từng trường hợp để đề xuất Hội LHPN xã giúp đỡ. Với cách làm này, Chi hội Phụ nữ thôn An Lâu đã có 2 hộ phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ bò giống sinh kế và nguồn vốn vay.
Nhiệm kỳ qua, ngoài giúp 26 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, Hội LHPN xã Tam Lãnh còn phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Hội phối hợp với UBND xã xây dựng công trình vệ sinh cho hộ nghèo; trao phương tiện sinh kế cho 10 hộ và hỗ trợ 5 hộ phụ nữ khởi nghiệp với số tiền gần 100 triệu đồng.
Trong thực hành tiết kiệm, Hội LHPN xã đã xây dựng mới 14 nhóm góp vốn quay vòng, duy trì 2 mô hình tiết kiệm tín dụng, đẩy mạnh phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... Hiện nay, Hội quản lý hơn 14 tỷ đồng nguồn vốn vay ủy thác cho 438 hộ vay; tỷ lệ thu lãi đạt 100% và không có nợ quá hạn.
Từ những mô hình hỗ trợ và phát triển kinh tế hiệu quả, có 8 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững, trong tổng số 25 hộ thoát nghèo của xã, điển hình như hội viên Nguyễn Thị Pháp (thôn Đàn Thượng), Nguyễn Thị Xuân Lộc (thôn Bồng Miêu)... Nhờ đó, đến cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021, toàn xã không còn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ (trừ hộ thuộc diện bảo trợ xã hội).