Hiệu quả ứng dụng truyền thanh thông minh
Năm 2020 huyện Bắc Trà My được chọn thực hiện thí điểm mô hình truyền thanh thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP). Mô hình đã đạt thành công ngoài mong đợi và đang được xem xét nhân rộng.
Xu thế tất yếu
Truyền thanh IP hoạt động trên giải pháp công nghệ truyền tải tín hiệu âm thanh thông qua internet từ sim điện thoại 3G/4G, được tích hợp vào bộ phận thu, để phát tín hiệu phát thanh. Đây là xu thế tất yếu của truyền thông thông cơ sở theo Quyết định số 135 ngày 20.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”.
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết định này, nghiên cứu từng bước chuyển đổi hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh sang truyền thanh IP. Sở TT-TT đã yêu cầu và định hướng các huyện, thành phố đầu tư hệ thống truyền thanh IP ngay trong năm 2020.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, chính quyền địa phương luôn chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công vụ nên khi có chủ trương của tỉnh, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm VH-TT&TT-TH nghiên cứu áp dụng, bước đầu được đánh giá rất tiện ích, hiệu quả tại các Đài truyền thanh xã Trà Sơn và Trà Giác.
Mỗi đài được đầu tư trang bị hơn 10 cụm thu - phát thanh, kết nối internet qua mạng 3G/4G; mixer âm thanh, micro; bàn, ghế làm việc, hai bộ máy vi tính chuyên dụng để sản xuất chương trình, được cài phần mềm điều khiển phát thanh với bản quyền vĩnh viễn, đồng thời phát sóng tại Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện và xã. Kinh phí đầu tư mỗi đài 400 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Phi Hùng - Trưởng bộ phận kỹ thuật Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện Bắc Trà My cho hay, qua hơn 3 tháng vận hành, hệ thống truyền thanh IP đã tỏ rõ được ưu điểm vượt trội, khắc phục triệt để những khiếm khuyết của hệ thống truyền thanh hữu tuyến hoặc vô tuyến (FM) truyền thống.
Hiệu quả vượt trội
Trước đây truyền thanh hữu tuyến hoặc FM luôn bị giới hạn về khoảng cách, không phát được đến các địa bàn xa xôi, hẻo lánh do dây dẫn không thể kéo đến nơi hoặc địa hình đồi núi chia cắt, công suất máy phát không đáp ứng; điều khiển phát không chủ động, muốn phát thì phải thực hiện đồng loạt hệ thống các cụm loa…
Còn truyền thanh IP không bị giới hạn về khoảng cách, dù vùng hẻo lánh hay xa xôi, chỉ cần có sóng điện thoại di động, có điện là trang bị máy móc thu phát thanh để vận hành, tín hiệu đảm bảo đạt chất lượng. Mặt khác, có thể điều khiển chọn cụm hoặc các cụm loa để phát riêng biệt khi cần; đặt lịch phát hẹn giờ rất đơn giản; các xã hoàn toàn chủ động sản xuất hoặc đưa tín hiệu riêng của địa phương để chèn, phát sóng tùy nhu cầu.
Đặc biệt, truyền thanh IP không phải tốn kém chi phí lớn để trang bị máy phát sóng, trụ anten, dây dẫn tín hiệu như truyền thanh hữu tuyến hoặc FM. Việc phát sóng chỉ bằng các thao tác vận hành đơn giản trên phần mềm được cài đặt, phân quyền vĩnh viễn trên máy vi tính. Từ đó, việc đầu tư thiết bị ban đầu tiết kiệm đáng kể để trang bị thêm các cụm thu - phát thanh IP, thiết bị sản xuất chương trình như máy vi tính, mixer, micro…
Ông Võ Phi Hùng cho rằng, truyền thanh IP khi đưa vào vận hành chi phí trả tiền thuê bao sim 3G/4G và tiền điện cho các cụm thu, phát với mức 800 nghìn đồng/năm, khá phù hợp với điều kiện ngân sách địa phương.
Qua kiểm tra thực tế mô hình thí điểm tại Bắc Trà My, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, giải pháp công nghệ của hai nhà cung cấp là Tập đoàn Mobifone và doanh nghiệp Gtech.DN áp dụng tại xã Trà Sơn và Trà Giác đều đáp ứng được yêu cầu thu phát thanh IP. Tuy nhiên, hai nhà cung cấp cần hoàn thiện ứng dụng chuyển văn bản thành âm phát thanh, có giải pháp điều hành phát sóng chung trên cùng hệ thống để tích hợp khi nhân rộng, điều hành hệ thống trên toàn tỉnh.
Cũng theo bà Quyên, với mô hình thí điểm thành công này, Sở TT-TT sẽ hoàn thiện đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” trình HĐND thông qua. Mục tiêu đến năm 2025, các xã chưa có đài truyền thanh; xã có đài hư hỏng nặng, không thể sửa chữa, sử dụng được hay xã có đài truyền thanh không dây đang hoạt động trong băng tần 87 - 108Mhz, hết hạn giấy phép tần số giai đoạn 2020 - 2023 sẽ được tập trung đầu tư mới truyền thanh IP theo Quyết định 135.