Phụ nữ với văn chương

BẢO ANH 07/03/2021 08:49

Với sự cần mẫn và đam mê trong sáng tạo, những người phụ nữ viết văn, làm thơ ở Hội VHNT Quảng Nam đã “vượt lên chính mình”, góp phần làm cho đời sống văn chương xứ Quảng trở nên phong phú...

Những phụ nữ cầm bút ở Hội VHNT Quảng Nam đã “vượt lên chính mình”, góp phần làm cho đời sống văn chương xứ Quảng phong phú hơn. Trong ảnh: Một số cây bút nữ tại tọa đàm Thơ nữ Quảng Nam, tháng 1.2021. Ảnh: CHVH
Những phụ nữ cầm bút ở Hội VHNT Quảng Nam đã “vượt lên chính mình”, góp phần làm cho đời sống văn chương xứ Quảng phong phú hơn. Trong ảnh: Một số cây bút nữ tại tọa đàm Thơ nữ Quảng Nam, tháng 1.2021. Ảnh: CHVH

Vượt qua “thử thách”

Bắt đầu làm thơ và viết văn từ hơn 5 năm trước, nhưng Hồ Loan - công nhân tại một nhà máy ở Khu Công nghiệp Tam Hiệp (Núi Thành) chưa từng nghĩ sẽ có lúc tác phẩm của mình xuất hiện trên mặt báo, cho đến khi chị tình cờ quen biết  nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ và được anh động viên, khích lệ. Chị đã thử gửi tác phẩm của mình đi và năm ngoái, thơ, truyện ngắn của chị đã xuất hiện trên một số tờ báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.

Chị tâm sự: “Vui không kể xiết nhưng cũng lắm nỗi niềm, bởi nhiều người không tin tôi có thể làm thơ hoặc tôi làm được thơ chắc là do cuộc sống riêng “có vấn đề”. Nhưng bây giờ thì mọi việc đã bình thường rồi và hơn thế, tôi còn nhận ra rằng văn chương đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên khác hơn, đáng yêu hơn...”. 

Một nữ tác giả khác, có tuổi đời và tuổi văn lớn hơn nhiều, là Nguyễn Thị Phương Dung, cũng từng vấp phải rào cản tương tự. Khi thơ chị bắt đầu xuất hiện trên các báo, tạp chí cũng là lúc chị nhận được những lời bình phẩm bóng gió của một số người xung quanh. Hơi “hoang mang” nhưng rồi ngay sau đó, chị nhận ra rằng thơ đã giúp chị đứng dậy, tin yêu hơn vào cuộc sống. Và chị đã có những câu thơ “đáp trả” day dứt mà sắc sảo - và cũng chính những câu thơ này đã trở thành “mã nhận diện” thơ Phương Dung: “đêm đêm ngửa nón ra đường/ hốt trăm thiên hạ phố phường điêu ngoa/ đêm về giở trái tim ra/ lựa một chiếc bóng để mà tương tư”...

Trong khi đó, với nhà thơ Mai Thanh Vinh, “thách thức” lại hết sức dễ thương. Chồng chị, nghệ sĩ nhiếp ảnh Huỳnh Bá Khoa luôn là người đồng hành, lâu không thấy chị làm thơ là anh lại nhắc; đôi khi đọc thơ chị, gặp từ nào cảm thấy chưa ổn, anh đều góp ý ngay. Thành ra, nhà thơ Mai Thanh Vinh luôn cố gắng viết, vừa để làm vốn riêng cho mình, vừa để không bị người bạn đời “nhắc nhở”...

Còn với các nữ tác giả khác như Lương Mỹ Linh, Ngô Thị Thục Trang, Cẩm Giang,... “thách thức” của họ cũng khá đặc trưng. Là “nội tướng” trong nhà, lại thêm việc cơ quan, việc xã hội nên họ nhiều khi không thể tham gia các sinh hoạt văn chương, nhất là các chuyến đi thực tế ở xa và dài ngày. Do vậy, mỗi khi gửi được việc cho đồng nghiệp, cậy được việc nhà cho chồng, ngay sau đó các chị đều có tác phẩm. Lý do thật dễ thương: Phải tranh thủ sáng tác để đồng nghiệp, người thân thấy rằng mình còn sáng tác được, đã đi là có tác phẩm, “tạo cớ” để có thể “bứt ra mà đi” trong những chuyến sau!

Góp hương sắc cho “vườn văn”

Đội ngũ những cây bút nữ của văn học Quảng Nam cho đến lúc này mới chỉ có 15 người - khá kiêm tốn so với con số gần 80 người của cả Chi hội Văn học. Tuy nhiên, thành quả sáng tạo của họ thì không khiêm tốn chút nào khi tất cả đều đã tự chứng tỏ được mình qua các diễn đàn văn chương. Không chỉ trên trang cá nhân, trên các ấn phẩm trong tỉnh, tác phẩm của nhiều cây bút nữ Quảng Nam còn xuất hiện trên nhiều tờ báo, tạp chí văn chương chuyên ngành “khó tính” trong nước.

Một số người góp phần làm cho đời sống văn chương quê nhà sinh động, phong phú thêm khi không chỉ làm thơ hoặc viết văn mà còn “thuận cả hai tay”, như Phương Dung, Ngô Thị Thục Trang, Lê Thị Điểm, Hồ Loan, Vương Thị Bé. Hay như Huỳnh Thu Hậu vừa làm thơ vừa viết phê bình; Nguyễn Thanh Thảo vừa viết phê bình vừa sáng tác truyện ngắn và ở lĩnh vực nào cả hai cũng đều có những thành tựu. Đặc biệt, trong các cuộc thi, các giải thưởng văn chương trong và ngoài tỉnh, nhiều cây bút nữ xứ Quảng cũng từng được xướng tên và vinh danh...

Bằng sự đằm dịu, khát khao riêng có; bằng những nỗ lực không mệt mỏi và cả những hy sinh, các cây bút nữ xứ Quảng vẫn đang tiếp tục đồng hành với bạn bè văn giới, góp thêm hương sắc cho khu vườn văn học quê nhà. Nói như nhà thơ Nguyễn Chiến, chỉ riêng với thơ không thôi cũng có thể thấy họ cũng đã bày biện ra được hầu hết các cung bậc, nhịp điệu của cuộc sống và văn chương, “mở ra phía cuộc đời rộng lớn và cũng là để đi sâu khám phá chính mình”...

BẢO ANH